08:02:02 | 25/11/2021
Đề xuất giảm sâu thuế GTGT
Theo ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT công ty Sadaco, các gói hỗ trợ của Chính phủ là cực kỳ quan trọng, đòi hỏi thời gian càng sớm càng tốt để giúp doanh nghiệp có nguồn lực vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. “Người ta nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cho nên trong thời điểm hiện tại cũng có thể xem là một miếng khi đói cho hệ thống doanh nghiệp đã, đang suy kiệt vì dịch bệnh”.
Hiện nay việc giảm thuế mới áp dụng cho phần ngọn là các hàng quán, trong khi mức cầu rất hạn chế, nên nếu có thể áp dụng trên các quy mô lớn hơn, như các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng,... (ảnh minh hoạ)
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 406/UBTVQH15 được ban hành, tập trung vào miễn giảm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hay giá trị gia tăng (GTGT) được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh, đồng thời trợ giá những sản phẩm, dịch vụ chịu tác động của dịch bệnh, tác động đến lực cầu trong 2 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách trên vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ mạnh để đẩy lực cầu lên cao. Do đó, các chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị cần có thêm bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện chính sách theo hướng thiết thực hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính nhận định, thời gian gần đây, việc giảm thuế GTGT để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn hàng hóa dịch vụ của những lĩnh vực chịu ảnh hưởng là một trường hợp rất đặc biệt, vì trước nay chưa bao giờ có câu chuyện miễn giảm loại thuế này.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực ăn uống, quy định hiện tại chỉ áp dụng cho phần ngọn là các hàng quán, trong khi mức cầu rất hạn chế, nên nếu có thể áp dụng trên các quy mô lớn hơn, như các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng,... để người tiêu dùng mạnh dạn chi tiêu thì sẽ tốt hơn.
Có thể thấy, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, trong khi giá cả các loại hàng hóa lại tăng cao, mà người tiêu dùng phải gánh thêm phí VAT từ 5-10% sẽ có phần quá sức.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cũng phản ánh, hiện nay họ gặp rất nhiều khó khăn do doanh thu không có, nên giảm thuế GTGT chưa thể giúp được gì cho doanh nghiệp. Đặc biệt, giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải, nhưng lại không giảm thuế cho việc hỗ trợ vận tải là chưa hợp lý, trong khi áp lực về thuế này là rất lớn, vì tháng nào cũng phải đóng và việc chỉ giảm 30% cũng không có nhiều tác động do doanh thu giảm mạnh 80% so với trước dịch. Các doanh nghiệp kiến nghị nếu được giảm 100% thì sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.
Về vấn đề này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) nói rằng, nếu xét về quy mô việc hỗ trợ của Việt Nam thì đến nay chưa có quy mô lớn so với nhiều nước trên thế giới, bởi vì ngân sách có những hạn hẹp nhất định, nhưng đây là lúc cần thiết mà Chính phủ cần phải chi ra để vực dậy nền kinh tế, vì sức khoẻ doanh nghiệp đang hết sức gay go.
Thực tế, Nghị quyết 406 được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là thiết thực hơn, bao trùm hơn so với các chính sách hỗ trợ trước đây. Song vẫn chưa thể miễn giảm thuế cho tất cả các thành phần kinh doanh và các loại ngành nghề trong nền kinh tế, mà đang tập trung vào các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, vì thế, cần thiết có những công cụ đánh giá kết quả chính sách này, với những tiêu chí về tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách, hoặc tiếp thu các kiến nghị bổ sung, để kịp thời xây dựng hoàn thiện những “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng thời, các chuyên gia cũng nhận định, phải đến quý 2/2022 các hoạt động kinh tế mới trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp mới khôi phục được các hoạt động kinh doanh của mình. Cho nên, chính sách cần có nghiên cứu bổ sung trong thời gian áp dụng, cũng như lược bớt các tiêu chí thụ hưởng để đảm bảo độ tiếp cận hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, khi hỗ trợ nền kinh tế, chúng ta phải hỗ trợ đúng đối tượng, cho những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành nghề trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bởi vì trong điều kiện dịch bệnh, có những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhưng ngược lại, có lĩnh vực ít ảnh hưởng hơn, thậm chí còn được hưởng lợi.
Nên hay không kéo dài thời gian hỗ trợ?
Một điểm nữa mà các doanh nghiệp cũng kiến nghị đó là, các chính sách theo Nghị quyết chỉ hỗ trợ đến hết năm 2021, thì chỉ còn hơn tháng nữa là kết thúc, như vậy là quá ngắn và chưa kịp ngấm đối với các công ty có hoạt động trở lại, với mức khôi phục chỉ khoảng 50-60% sản xuất. Trong khi đó, số ca nhiễm mới hằng ngày vẫn đang trên đà tăng, thì ước tính đến hết quý 1/2022 mới có thể hoàn toàn quay trở lại hoạt động bình thường, khi đó cũng mới có thể đánh giá được hết tác động của đại dịch trong năm 2021 lên các doanh nghiệp, cũng như hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đã ban hành.
Các doanh nghiệp kiến nghị kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách để có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh (ảnh minh hoạ)
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đề xuất, thời gian triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nên kéo dài, trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế.
“Đối với doanh nghiệp hiện nay, điều quan trọng nhất là duy trì và phục hồi,mà để làm được điều đó, thì phải có chính sách đưa vào một cách căn cơ, có độ trễ dài hơi hơn. Vì vậy, tôi mong muốn chính sách cần kéo dài thêm nữa, đã rất nhiều giai đoạn chúng tôi đề xuất kéo dài việc hỗ trợ đến ngày 31/12/2022”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng, nếu xét trên góc độ xây dựng chính sách thì thời gian thụ hưởng phải dựa vào nhiều yếu tố đặc biệt là cân đối ngân sách của từng năm nên chưa thể đưa ra ngay quyết định giảm cho tới đầu năm sau.
PGS.TS Lê Xuân Trường lý giải, chính sách về giảm thuế cho năm 2022 cần phải dựa trên cân đối ngân sách của năm 2022, do đó phải có đánh giá tổng thể tác động đến ngân sách như thế nào, tác động đến người dân doanh nghiệp ra sao, từ đó mới cân nhắc thời gian, còn ở giai đoạn hiện nay đề xuất của Chính phủ là phù hợp.
Có thể nói, Nghị quyết về miễn thuế giảm thuế cho nhiều đối tượng doanh nghiệp, người dân là chủ trương đúng và kịp thời, song cần rà soát và có đánh giá các doanh nghiệp đó có thực sự đúng là đối tượng được hưởng chính sách hay không. Mặt khác, cần nghiên cứu sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để cân đối xây dựng các gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn, để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nên kinh tế và an sinh xã hội.
Nguồn: DDDN
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI