Các khu công nghiệp Thái Nguyên: Hứa hẹn những triển vọng mới

09:29:40 | 6/9/2010

Từ năm 1999, Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghiệp Sông Công I với chủ trương tạo sức bật cho công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, KCN Sông Công I đã thu hút được 38 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng, trong đó có 25 dự án đi vào hoạt động.

Năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các KCN của tỉnh Thái Nguyên tại danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới và mở rộng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 ban hành kèm theo quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2006.

Đến nay, Thái Nguyên có 6 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho xây dựng: KCN Sông Công I (220ha); KCN Sông Công II (250ha); KCN Nam Phổ Yên (200 ha); KCN Tây Phổ Yên (200ha); KCN Điềm Thuỵ (350ha); KCN Quyết Thắng (200ha). Thái Nguyên hy vọng được tiếp đón và là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư kể cả đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp.

Để tạo sức bật thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, hoàn thiện đề án phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đến 2015 và định hướng đến 2020. Các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được đẩy mạnh. Được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương cùng với sự vào cuộc của các cấp ngành trong tỉnh, thu hút đầu tư của Thái Nguyên đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2007 – 2009, tỉnh đã chấp nhận và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 336 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 102.000 tỷ đồng. Riêng năm 2009 đã có 200 dự án đăng ký thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng. Các dự án đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực như: Sản xuất lắp ráp ô tô, công nghệ điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo, chế biến khoáng sản, lâm sản, du lịch, dịch vụ, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đô thị mới…

Tạo nên những thành tựu trong thu hút đầu tư là nhờ môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, chính sách ưu đãi cởi mở, thủ tục hành chính theo cơ chế liên thông đã được vận hành tốt và tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, Thái Nguyên có những lợi thế tiềm năng đầu tư mà không phải nơi nào cũng có. Có vị trí địa lý tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, cách không xa cảng biển Hải Phòng và kề cận với các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc về phía Bắc. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ liên tỉnh đều thuận tiện cho giao thương. Hiện nay, các tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1A chạy qua, là huyết mạch nối tỉnh Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong tương lai gần sẽ có Quốc lộ 3 mới đạt tiêu chuẩn đường cao tốc quốc tế. Hệ thống đường sông cũng thuận tiện, nối cảng sông Đa Phúc của tỉnh đến cảng Hải Phòng và Quảng Ninh. Thái Nguyên còn là một trong những cái nôi đào tạo của cả nước, có nguồn nhân lực lao động dồi dào, trình độ tay nghề cao. Tỉnh là trung tâm giáo dục thứ 3 của cả nước với 6 trường Đại học, 17 trường Cao đẳng chuyên nghiệp, hàng năm đào tạo hàng 100.000 lao động cho vùng và cho cả nước.

Để phát huy các lợi thế này, đặc biệt tạo bước đột phá thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, trong thời gian tới tỉnh tập trung xây dựng KCN gắn với quy hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Theo đó tỉnh sẽ tập trung xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng có chất lượng. Năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lập quy hoạch khu hành chính mới nằm ở phía Tây Thành phố Thái Nguyên có quy mô 1.500 ha. Đồng thời tỉnh đã lập quy hoạch tổ hợp đô thị - công nghiệp và dịch vụ Yên Bình với quy mô 8.000 ha tại hai huyện Phú Bình và Phổ Yên, sẽ tạo điểm nhấn cho sức hấp dẫn đầu tư tại Thái Nguyên.

PV