Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn: Động lực phát triển kinh tế Lạng Sơn
Được thành lập từ năm 2008, sau 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu quan trọng, góp phần tạo tiền đề cơ bản và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Lạng Sơn.
KKTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg ngày 14/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ; có diện tích tự nhiên 394 km2, có 2 cửa khẩu chính (cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế đường sắt ga Đồng Đăng); 3 cửa khẩu phụ (Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng). Với quyết tâm kêu gọi đầu tư, trải thảm đỏ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư vào KKTCK, Lạng Sơn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư như chuẩn bị mặt bằng sạch; đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đào tạo lao động…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong KKTCK giai đoạn 2009-2017 liên tục ở mức cao so với tốc độ tăng chung của tỉnh, bình quân hàng năm đạt 11,26%/năm (toàn tỉnh 8,52%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,3 triệu đồng năm 2009 lên 70,5 triệu đồng năm 2017. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 54,57% năm 2009 lên 63,5% năm 2017, công nghiệp - xây dựng giảm từ 37,44% xuống 31,7%, ngành nông nghiệp giảm từ 8% xuống còn 4,8% .
Kết quả thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế từ năm 2009 đến năm 2017 là 15.841 tỷ đồng (bằng 85% số thu cả tỉnh), trong đó thu phí bến, bãi đạt khoảng 2.261,4 tỷ đồng, bằng 72,9% cả tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 1.520 triệu USD năm 2009 lên 4.329 triệu USD năm 2017.
Kết quả thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khá tích cực, riêng năm 2017, đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký 3.470,2 tỷ đồng; lũy kế đến nay trong khu có 109 dự án đầu tư trong nước, bằng 30,7% so với toàn tỉnh với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.879 tỷ đồng, bằng 34,6% so với toàn tỉnh, 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài bằng 68,3% so với toàn tỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 174 triệu USD, bằng 75,9% so với toàn tỉnh. Năm 2017 KKTCK đã thành lập được 260 doanh nghiệp với số vốn điều lệ là 2.022 tỷ đồng; toàn khu hiện có khoảng 1.600 doanh nghiệp, chiếm 58,5% tổng số doanh nghiệp của cả tỉnh, với tổng vốn đăng ký trên 11 nghìn tỷ đồng, chiếm 62%.
Lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng KKTCK trong 9 năm (2009 - 2017) từ nguồn ngân sách nhà nước là 4.776,1 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.060,5 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 1.098,8 tỷ đồng, vốn ODA 569,7 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương; được tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các chương trình dự án trọng điểm, các ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực cho các ngành khác cùng phát triển. Hoàn thành đưa vào sử dụng trên 350 công trình, hạng mục với giá trị trên 4.250 tỷ đồng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước được củng cố, hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn có những khó khăn hạn chế, đó là: Địa bàn KKTCK rộng, có những vùng không phải khu vực biên giới, cửa khẩu; công tác tổ chức thực hiện quy hoạch (cửa khẩu, khu chức năng, khu đô thị,...) còn thiếu nguồn lực để triển khai, kể cả chuẩn bị mặt bằng sạch cho thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng. Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh chưa ổn định, phía Trung Quốc lại thay đổi chính sách biên mậu thường xuyên (như giờ giấc làm việc để thông quan, chưa bố trí đầy đủ lực lượng để làm việc tại các cặp chợ, lối mở; các địa điểm giao nhận hàng hóa cũng luôn thay đổi,...). Chưa có chính sách ưu đãi đặc thù trong hoạt động KKTCK về đầu tư, về cơ chế tài chính, về xuất nhập cảnh...
Với những tồn tại trên, hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang tiến hành rà soát, xây dựng Đề án điều chỉnh phạm vi KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn cho phù hợp với thực tế để phát triển kinh tế cửa khẩu trên toàn bộ tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh và gắn với phát triển kinh tế - xã hội 21 xã, trị trấn biên giới; do vậy, rất mong các bộ, ngành Trung ương quan tâm và giúp đỡ để Đề án sớm được phê duyệt. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng theo chủ trương KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn trong giai đoạn 2016 -2020 là một trong 9 KKTCK trọng điểm của cả nước được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Phan Hồng Tiến
Trưởng Ban quản lý KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn