Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt Ban QLDA) được thành lập theo Quyết định số 182/QĐ-UBND-TL ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh Đồng Tháp; thực hiện chức năng quản lý, đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT trên địa bàn. Trong quá trình hoạt động, Ban QLDA luôn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, vượt khó đi lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới của tỉnh, chính vì vậy ngay từ những ngày đầu thành lập, Ban QLDA luôn hoạt động động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt chức năng quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT. Mặc dù nguồn vốn phân bổ đầu tư còn hạn chế song với sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ - viên chức cũng như sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp thẩm quyền nên hoạt động của Ban QLDA đã đạt được kết quả rất khả quan.
Cụ thể trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, bằng nguồn vốn thuỷ lợi phí; vốn bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do tỉnh Đồng Tháp quản lý, phân bổ hàng năm, Ban QLDA đã chủ động phối hợp Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư các công trình NN&PTNT mang tính trọng điểm, liên vùng, theo hướng đa mục tiêu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới như: nạo vét kênh tạo nguồn phục vụ tưới tiêu kết hợp giao thông nông thôn; xây dựng cống tưới tiêu kết hợp để chủ động trong sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận; nâng cấp, cứng hoá đê bao đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa, giao thông đi lại của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được thuận tiện, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Nhờ những nỗ lực này mà diện mạo nông thôn tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao; giao thông thuận tiện nên doanh nghiệp đến tận nơi thu mua nông sản, giảm trung gian, thu nhập và chất lượng đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tính đến tháng 6/2018, Đồng Tháp đã có 39 xã đạt đủ 19/19 tiêu chí; trong đó có 37 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông, đối với các vị trí sạt lở cấp bách, xung yếu, Ban QLDA đã phối hợp tốt với Sở NN&PTNT, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và hạ tầng kỹ thuật. Được sự quan tâm của Bộ, ngành TW, đến nay các vị trí sạt lở xung yếu, cấp bách đã được hỗ trợ vốn triển khai thi công kịp thời góp phần ổn định cuộc sống hơn 1.000 hộ dân sống quanh khu vực sạt lở; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đều đảm bảo phục vụ các hoạt động giao thương buôn bán như: kè bảo vệ khu vực chợ Bình Thành - huyện Thanh Bình; kè Bình Thành đến Vàm Phong Mỹ...
Để đạt được những kết quả khả quan trên, bên cạnh việc tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình thì vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay luôn được Ban QLDA quan tâm đặt lên hàng đầu. Theo đó Ban luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để viên chức trau dồi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay số viên chức có trình độ thạc sỹ chuyên ngành chiếm 50% tổng số viên chức chức toàn Ban. Nhờ vậy các khâu trong thủ tục đầu tư xây dựng đều được rút ngắn so với kế hoạch như: công tác thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; thẩm định dự toán; lập hồ sơ mời thầu; thẩm định hồ sơ mời thầu; báo cáo xét thầu...; qua đó góp phần tích cực vào thành tích chung của đơn vị trong việc rút ngắn các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, kịp thời.
Giám đốc ban ông Nguyễn Văn Nhiều cho biết trong quá trình hoạt động, bên cạnh những mặt thuận lợi thì Ban QLDA cũng vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Do đặc thù của việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư không chi cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trong khi địa phương nguồn vốn hạn hẹp không có nguồn kinh phí bố trí đối ứng để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên khi triển khai thi công nạo vét kênh mương, xây dựng cống tưới tiêu, nâng cấp, cứng hóa đê bao... gặp phải một số khó khăn nhất định. Ban QLDA phải tổ chức họp dân nhiều lần, vận động tạo sự đồng thuận khi thực hiện chủ trương "nhà nước và nhân dân cùng làm", đôi lúc kéo dài thời gian thực hiện dự án, một số trường hợp phải xin chủ trương cắt giảm khối lượng, không thi công...ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện, hiệu quả đầu tư.
Cũng theo ông Nhiều, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp như hiện nay, để thực hiện thắng lợi mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, triển khai thành công chương trình MTQG về Nông thôn mới thì việc tuyên truyền, vận động sự đóng góp nguồn lực trong nhân dân là việc làm hết sức cần thiết. Chính vì vậy trong thời gian tới Ban QLDA sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự chung sức đóng góp trong dân để phát huy tối đa, hiệu quả khi sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản; qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.
Công Luận