08:14:58 | 15/4/2022
Để duy trì “phong độ” xuất khẩu với những thành tích ấn tượng, các doanh nghiệp dệt may đang chủ động, linh hoạt chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng “xanh hóa” để đáp ứng các yêu cầu ngày một khắt khe của các đối tác nhập khẩu, gia tăng sức cạnh tranh.
Quy định cho hàng dệt may ngày càng nghiêm ngặt
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý I/2022 tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 8,837 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành dệt may đang tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD.
Luôn là ngành xuất khẩu mũi nhọn, ngành dệt may cũng đang đối diện với câu chuyện phải linh hoạt thay đổi để bắt kịp các xu hướng, thị hiếu mới từ người tiêu dùng, trong đó có xu hướng ưa chuộng sản phẩm được sản xuất từ sản xuất xanh. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ hoặc EU ngày càng đòi hỏi các quy trình sản xuất phải sạch hơn và hàng hoá thân thiện với môi trường hơn. Báo cáo này cũng chỉ ra dệt may là một trong những ngành có cơ hội sớm cải thiện được “dấu chân” các-bon và môi trường.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu liên quan đến “xanh hóa” trong sản xuất như cắt giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường… Các cam kết FTA song phương và đa phương của Việt Nam cũng đều có quy định về bảo vệ môi trường và phát thải thấp.
Về các thị trường nhập khẩu chủ lực, đặc biệt là thị trường EU, đa số doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải…
Trước những yêu cầu, quy định từ phía đối tác, các doanh nghiệp dệt may VN đã chủ động chuyển đổi. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS cho biết, trên thực tế chương trình “xanh hóa” ngành dệt may đã được triển khai từ 3-4 năm qua, góp phần tích cực cải cách ngành dệt may Việt Nam, tác động vào hoạt động quản trị ngành và môi trường, mang lại nhiều lợi ích về xã hội, kinh tế.
VITAS cũng đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Một số doanh nghiệp như May 10 đã có kế hoạch đưa vào sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, có thể tự phân hủy sau 5-10 năm. Công ty CP Phong Phú đang ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất, từ đó đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu ít ảnh hưởng đến môi trường.
Mới đây, H&M - nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu có 31 nhà cung cấp tại Việt Nam đã cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hòa các-bon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp vải, chế biến vải, sản xuất sợi, thuộc da vào năm 2030. Nike cũng công bố các kế hoạch tương tự, có ảnh hưởng đến trên 100 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam. Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Công ty Decathlon vừa cam kết sẽ hợp tác để cải thiện hiệu suất môi trường tại chuỗi cung ứng dệt may tại Việt Nam...
Vẫn còn nhiều rào cản bủa vây
Các doanh nghiệp dệt may đang hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu. Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều, nhiều quy định áp đặt thời giantừ lúc ban hành đến khi có hiệu lực rất ngắn, khiến DN trong nước trở tay không kịp. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may phải tiêu tốn nhiều chi phí, công nghệ để có thể đáp ứng.
Theo đại diện VITAS, một số doanh nghiệp Việt Nam đang phải nỗ lực để chuyển đổi sản xuất để kịp thời đáp ứng cam kết toàn cầu và yêu cầu pháp luật của Châu Âu, trong đó có Luật Thẩm định doanh nghiệp Đức có hiệu lực vào năm 2023, yêu cầu phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ và chịu trách nhiệm các rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đầu tháng 4/2022, Ủy ban Châu Âu (EC) vừa đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này. Cụ thể, quy định này yêu cầu hàng dệt may vào thị trường Châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường. Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp các sản phẩm. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra lời khuyên, DN muốn duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu sẽ không có lựa chọn nào ngoài buộc phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ các nước nhập khẩu hàng hóa. Các doanh nghiệp dệt may cần theo dõi rất sát diễn biến của thị trường cũng như chủ động trong chuyển đổi sản xuất, đảm bảo sản xuất xanh, có tính đến yếu tố tái chế tuần hoàn chất thải phát sinh, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó vải phải ưu tiên sử dụng vải thân thiện môi trường… Ngoài ta, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các tổ chức tài chính, môi trường quốc tế để xây dựng lộ trình chuyển đổi sang sản xuất xanh.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
6/6/2023
Khách sạn Sofitel Saigon Plaza, TP.Hồ Chí Minh
Tháng 6 năm 2023
Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh