Hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển kinh tế sáng tạo

08:24:14 | 10/6/2024

Dù đã đạt được những thành tựu sâu rộng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng nhưng Việt Nam vẫn phải đối diện với những rủi ro, thách thức liên quan đến chất lượng, mức độ bền vững của tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa đáng kể vào gia tăng nguồn lực đầu vào và các ngành thâm dụng lao động/tài nguyên. Đóng góp của các nhân tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo còn chưa tương xứng với kỳ vọng.

TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam đang hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu phát triển này, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao là một điều kiện tiên quyết. Dù vậy, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi mô hình tăng trưởng truyền thống dựa trên gia tăng vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã chạm ngưỡng giới hạn.

“Trong bối cảnh ấy, chúng ta phải không ngừng đổi mới, cả về tư duy, cách làm và mô hình để “sáng tạo” ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế”, TS. Trần Thị Hồng Minh nêu rõ.

Theo báo cáo của CIEM, các điểm mạnh trong quá trình phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam chính là di sản văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới. Các điểm yếu trong quá trình này chủ yếu là: Hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống; thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo (đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi, phụ nữ, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,...); những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo.

Việt Nam có những cơ hội quan trọng cho phát triển kinh tế sáng tạo, nhờ chuyển đổi số, sự phục hồi và vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch, thị trường trong nước có quy mô tương đối lớn và hợp tác quốc tế sâu rộng. Việc sử dụng các công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế sáng tạo. Các công nghệ đột phá đã giúp các ngành công nghiệp sáng tạo trở thành một lĩnh vực có thể đầu tư ở nhiều thị trường mới nổi. Số hóa cũng có thể tác động tích cực đối với việc bảo vệ tài sản sáng tạo. Việt Nam đã bước đầu có nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo.

Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, Việt Nam đã bước đầu có khung chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo. Các nhóm chính sách hiện có đã bao gồm cả các chính sách chung và chính sách cụ thể đối với một số ngành. Phạm vi chính sách hiện có là tương đối rộng, từ chính sách ưu đãi thuế, khoa học - công nghệ cho đến chính sách cạnh tranh, bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, chính sách cho kinh tế sáng tạo chỉ mới cụ thể ở một số ngành, song chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với bối cảnh mới của các ngành này, trong khi nhiều hoạt động sáng tạo còn thiếu khung chính sách, quy định pháp lý,...

Theo TS.Trần Thị Hồng Minh, thông qua khảo sát tại một số địa phương, hiện đang có các cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, có nơi còn hiểu “đại khái” kinh tế sáng tạo giống với đổi mới, sáng tạo.

TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của cả các nước phát triển và các nước đang phát triển trong phát triển kinh tế sáng tạo trên các khía cạnh như tiếp cận phát triển kinh tế sáng tạo dựa trên nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình kinh tế này, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển kinh tế sáng tạo, thúc đẩy các điển hình tốt, hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ thống thông tin về đo lường kinh tế sáng tạo, thu hút tài năng gắn với phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo phục vụ kinh tế sáng tạo và phát triển các mạng lưới, cụm công nghiệp sáng tạo.

“Quan trọng hơn, cần đặt trọng tâm vào khai thác ý tưởng, sức sáng tạo của con người và bảo vệ tài sản trí tuệ từ quá trình sáng tạo, kinh tế sáng tạo đã cho thấy một tiềm năng vô cùng lớn, thậm chí có thể nói là “không giới hạn”, Viện trưởng CIEM chia sẻ.

Để phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới, theo CIEM, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số; tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng; thúc đẩy hợp tác và kết nối.

Đặc biệt, cần tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo và tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo.

Anh Mai (Vietnam Business Forum)