Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dành nhiều sự quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) và bước đầu đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Cụ thể qua 4 năm (2011 - 2014) thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020", toàn tỉnh đã có 14.210 người được đào tạo nghề, đạt 109% so với kế hoạch (13.000 người). Trong số này đã có 10.707 người đã hoàn thành chương trình học; 8.727 người đã tìm được việc làm, đạt 81,5%. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực trong việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới.
Bà Lê Thị Trang Đài - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh BR - VT cho biết các hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng giúp nông dân tự tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập. Trong đó chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho LĐNT; xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất như nuôi dê, nuôi vịt siêu trứng, trồng lúa chất lượng cao... Các cấp, ngành chức năng cũng chú trọng hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Sau khi được học nghề, người lao động đã chủ động áp dụng các biện pháp cải tiến tổ chức sản xuất, thay đổi dần phương pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và hình thức kinh doanh; từ đó đã nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Với mục tiêu "Dạy nghề gắn với việc làm cho nông dân", việc tuyên tuyền, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm phục vụ phát triển KT - XH của các địa phương đã được chú trọng; đồng thời đa dạng các hình thức dạy nghề, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, dân tộc thiểu số tại địa bàn nông thôn.
Nhằm triển khai thực hiện thành công Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020", ngày 24/6/2010 UBND tỉnh BR - VT đã ra Quyết định số 1542/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án. Để việc đào tạo nghề cho người LĐNT có hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực như gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội, trong đó ưu tiên đào tạo những ngành nghề phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trên địa bàn khu vực nông thôn; các ngành nghề gắn với việc giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người nông dân... Bên cạnh đó Ban Chỉ đạo chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cho LĐNT; nắm chắc nhu cầu lao động cần đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa…; huy động tất cả các loại hình cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề cho LĐNT… Nhờ đó mà chất lượng dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh BR – VT ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan song công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh BR - VT vẫn còn vướng nhiều khó khăn, thách thức. Các CCN, TTCN trên bàn tỉnh chưa được hình thành do tình hình kinh tế trong mấy năm gần đây, hơn nữa có sự phân bố chưa đồng đều tại các địa phương nên người nông dân chuyển đổi sang học nghề phi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số nghề như nghề cạo mủ cao su tại huyện Xuyên Mộc; đan lục bình tại huyện Đất Đỏ, huyện Long Điền; đan bàn ghế giả mây tại huyện Long Điền trong năm 2013 trở về trước ổn định song sang năm 2014 lại có xu hướng giảm giá thành sản xuất, đơn đặt hàng của các công ty ít do biến động kinh tế nên một số lao động phải chuyển sang nghề khác sinh sống, ảnh hưởng đến việc làm bền vững của người LĐNT….
Để tháo gỡ những “nút thắt” trên, đưa công tác dạy nghề cho LĐNT tiếp tục đi đúng hướng, góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 5 năm (2011 - 2015), trong năm 2015 Sở LĐTBXH tỉnh BR - VT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo để giải quyết những khó khăn của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho các địa phương để chủ động triển khai thực hiện; đồng thời đề xuất mức chi phí hỗ trợ học nghề đối với những nghề tổ chức tại huyện đặc thù Côn Đảo. Sở LĐTBXH tỉnh cũng sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động đào tạo nghề, từ đó kịp thời phát hiện những sai sót, những khó khăn để tìm hướng giải quyết và khắc phục. Để tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, không bảo đảm chất lượng và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong quá trình dạy nghề, Sở LĐTBXH sẽ tổ chức rà soát các nghề đào tạo cho LĐNT, tăng cường các đợt kiểm tra, giám sát tại các lớp đào tạo nghề nông thôn và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Ngọc Thanh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI