HƯNG YÊN

Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu: Địa chỉ đào tạo nghề tin cậy

15:25:23 | 3/8/2016

Phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong hơn 50 năm qua, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu đã từng bước trở thành một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của người lao động và các tổ chức, doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo cung cấp nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật cao có thể tham gia làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài nước, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH , HĐH tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.

Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu được thành lập theo Quyết định số 1456/QĐ - LĐTBXH ngày 26/9/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo quyết định, trường được thành lập trên cơ sở Trường trung học Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu. Ngay từ những năm đầu thành lập, nhà trường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh lân cận.

Đa dạng ngành nghề đào tạo

Ông Đỗ Trọng Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngay từ khi được nâng cấp lên trường cao đẳng, nhà trường vẫn tiếp tục tổ chức đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề; trung cấp chuyên nghiệp; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Việc đào tạo này nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho người học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học với trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.


Tổng diện tích của trường lên đến 26 ha, trụ sở chính tại xã Dân Tiến (Khoái Châu), với trang thiết bị thực hành, hệ thống phòng học lý thuyết, giảng đường, xưởng thực hành, nông trại thực nghiệm... đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh sinh viên (HSSV). Hiện nay nhà trường 104 cán bộ, trong đó có 84 giáo viên cơ hữu đều đạt chuẩn hoặc trên chuẩn quy định, trong đó có gần 50% giáo viên dạy cao đẳng nghề, trung cấp nghề đạt trình độ sau đại học. Tính trung bình trong 5 năm trở lại đây mỗi năm nhà trường đào tạo khoảng 3000 - 4000 HSSV các hệ. Số HSSV này được đào tạo theo các khối ngành nghề gồm: quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, kế toán doanh nghiệp, may và thiết kế thời trang, điện (dân dụng, công nghiệp), quản lý đất đai, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật...

Gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Với phương châm đào tạo chất lượng gắn liền với giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu chuyển trọng tâm đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống doanh nghiệp trên toàn tỉnh phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nói chung và các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn nói riêng.

Từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã ký kết hợp đồng ghi nhớ và xây dựng được mô hình liên kết đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cao cho doanh nghiệp. Trên cơ sở một số nguyên tắc cơ bản: Nhà trường và doanh nghiệp cùng đào tạo (Lý thuyết nhà trường còn lại phần thực hành HSSV trực tiếp tham gia quá trình sản xuất của doanh nghiệp); khi thực tập doanh nghiệp phải có phụ cấp cho HSSV; sau khi tốt nghiệp doanh nghiệp nhận số HSSV vào làm việc. Tiêu biểu Công ty May Minh Anh nhà trường đào tạo cả hệ trung cấp và sơ cấp, Công ty May HBI đào tạo quản lý doanh nghiệp, ký hợp đồng 2 công ty xuất khẩu lao đng (kết hợp, tạo nguồn). Nhờ ký kết hợp đồng ghi nhớ, mà trường nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía doanh nghiệp. Ông Hoàn chia sẻ thêm: “Cái được của việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệpnhà trường có nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu, đồng thời lao động có việc làm ngay sau khi hoàn thành chương trình học”.

Với chủ trương xem doanh nghiệp là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và là khách hàng quan trọng trong việc đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhà trường luôn coi trọng việc hình thành và phát triển mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp. Ký kết hợp đồng ghi nhớ với nhiều doanh nghiệp, đồng hành cùng các doanh nghiệp để bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp được xem là hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề hiện nay.