13:10:58 | 4/5/2017
Năm 2016, số giường bệnh/10.000 dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 30,6 (kế hoạch 2016 là 25, tăng 22,4%); tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 79,6% (KH 2016 là 75%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 79,97% - Những thành công này chính là nhờ vào sự hỗ trợ của Bộ Y tế, UBND tỉnh cũng như các cơ quan chuyên trách. Cùng với những tiền đề vững chắc này, chắc chắn thời gian tới ngành sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò trong công cuộc chăm sóc tốt sức khỏe cộng đồng.
Nhiều đóng góp lớn
Những năm qua, mặc dù nền y tế tỉnh cũng như nước nhà còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của Ngành y tế. Tuy nhiên, bằng quyết tâm cùng nhiều hoạt động thiết thực, ngành đã gặt hái được nhiều thành tựu. Phải kể đến là trong năm 2016 vừa qua, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch, nhất là dịch bệnh Sốt xuất huyết, tay chân miệng; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3335/QĐ-UBND về việc Quy định phân công nhiệm vụ quản lý về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế. Không những thế, ngành còn phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trong kiểm tra, chỉ đạo ứng dụng CNTT để công tác khám chữa bệnh (KCB) chặt chẽ hơn. Các cơ sở KCB trong công lập trong toàn tỉnh vẫn là địa chỉ tin cậy cho việc KCB của người dân, biểu hiện qua công suất sử dụng giường bệnh luôn cao trong các năm vừa qua (phần lớn cao hơn 100%). Đề án bệnh viện vệ tinh và 1816 đã đóng góp lớn vào công tác cải thiện và nâng cao chất lượng KCB cho BVT và các bệnh viện tuyến huyện với việc phát triển kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu. Hiện, ngành đang đẩy mạnh hoạt động thực hiện Kế hoạch phát triển mạng lưới Y học gia đình và triển khai Đề án giảm quá tải Bệnh viện giai đoạn 2016-2020.
Phải nói rằng đến hôm nay, hệ thống cơ cấu, tổ chức và hoạt động ngành y tế Khánh Hòa đã được duy trì có hệ thống và ổn định từ tuyến tính đến xã phường thị trấn, cơ sở hạ tầng của mạng lưới y tế đã được xây dựng mới, khang trang và đang trên đà hoàn thiện hơn. “Đặc biệt, nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển của mỗi địa phương nói chung và của từng ngành nói riêng. Và để ngành y tế tỉnh phát triển theo chiều sâu cũng như chiều rộng thì ngoài đồng hành với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm vào hực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Cũng như hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (BV tỉnh vay hơn 40 tỷ để mua sắm trang thiết bị). Tạo điều kiện, hỗ trợ các Doanh nghiệp đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân; và đến nay đã có một số bệnh viện đi vào hoạt động như Bệnh viện Vinmec; Bệnh viện Tâm trí, Bệnh viện Mắt…” - Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa chia sẻ.
Nỗ lực vì mục tiêu chung
Người dân hiện nay không chỉ chăm lo về kinh tế - xã hội mà còn hướng đến chăm sóc sức khỏe một cách khoa học, kỹ lưỡng hơn. Thấu hiểu tâm lý này, ngành y tế Khánh Hòa đã không ngừng chú trọng vào các công tác thiết thực, hướng đến những mục tiêu cơ bản. Trong đó phải kể đến các hoạt động: Đẩy mạnh công tác dự phòng, ứng dụng công nghệ thông tin để thu nhận, phân tích, phiên giải số liệu về bệnh truyền nhiễm ; thực hiện Đề án giảm quá tải Bệnh viện giai đoạn 2016-2020; phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; hiện đại hóa và kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, giữa phòng bệnh và chữa bệnh; củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển đội ngũ bác sỹ gia đình và lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình vào y tế tuyến cơ sở; thực hiện Đề án thu hút bác sĩ về làm việc tại cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020 nhằm phấn đấu đạt 8 bác sỹ/vạn dân vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, kéo theo mô hình bệnh tật thay đổi. Hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Cùng với tâm lý người dân là đổ dồn về những bệnh viện tuyến trên mới có bác sĩ giỏi và chăm sóc tốt, điều này dẫn đến nhiều bệnh viện quá tải, không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh. Song song với đó thì để đạt tỷ lệ 90% trong việc mở rộng bao phủ BHYT vào năm 2020 toàn dân hiện nay còn nhiều khó khăn khi hiện nay chủ yếu là các đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh-sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Vậy đâu là hướng giải pháp tốt nhất để ngành có cơ hội thực hiện tốt chức trách của mình? Để giải quyết phần nào “khúc mắc” này, ông Minh bày tỏ “Hy vọng năm 2017, Bộ Y tế cần kiến tạo, liêm chính để tạo sự phát triển. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là quan tâm công tác y tế cơ sở; hướng đến chăm sóc sức khỏe từng người dân; công khai kết quả xếp loại bệnh viện để người dân biết... Bộ Y tế cũng như ngành y tế tỉnh Khánh Hòa cần có những chính sách thiết thực, đặc biệt là phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước và điều hành ngành y tế. Đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở; thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh...