ĐÀ NẴNG

“Bất động sản Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển”

08:01:54 | 20/12/2019

Nhận định này được  ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Đà Nẵng đưa ra trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Vietnam Business Forum về tiềm năng, cơ hội phát triển của thị trường bất động sản tại Đà Nẵng trong thời gian tới. Quốc Hưng thực hiện.

Ông có nhận định gì về thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện nay?

Cùng với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trong ba thị trường bất động sản lớn nhất cả nước. So với thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển khoảng 40 năm, Hà Nội hơn 30 năm thì Đà Nẵng chỉ mới khoảng 20 năm.

Trong 20 năm qua, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã có bước phát triển đáng kể về quy mô và có được sự phát triển là nhờ Đà Nẵng sở hữu các lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên và đặc biệt là môi trường đầu tư lý tưởng. Mặc dù vậy, theo tôi sự phát triển trên vẫn chưa tương xứng với lợi thế của Đà Nẵng. Vì vậy sẽ còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Dân số Đà Nẵng đang có xu hướng tăng nhanh, vậy ông đánh giá thế nào về nhu cầu sở hữu bất động sản trong thời gian tới?

Đúng vậy, trong những năm qua, nhờ kinh tế xã hội phát triển đã kéo theo một lượng lớn cư dân từ các địa phương khác đến lập nghiệp, sinh sống tại Đà Nẵng, do đó nhu cầu sở hữu về bất động sản đang ngày một tăng. Dự báo trong thời gian tới nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng thêm và việc sở hữu bất động sản tại Đà Nẵng sẽ khó khăn hơn khi đến năm 2020 dân số Đà Nẵng dự kiến đạt khoảng 1,6 triệu người và đến năm 2030 là khoảng 2,5 triệu người, trong đó dân số chính thức đô thị khoảng 2,3 triệu người.

Từ sự gia tăng về dân số và nhu cầu nhà ở, giá bất động sản ở Đà Nẵng những năm qua đã tăng khá “nóng”. Theo ông cần có giải pháp gì để thị trường phát triển bền vững?

Nhìn chung, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng vẫn đang phát triển khá tốt. Theo tôi được biết, lũy kế đến nay thành phố Đà Nẵng có 323 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 100 nghìn tỷ đồng và gần 800 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Đây là nguồn cung quan trọng để thị trường phát triển cân bằng.

Song để thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, các ngành chức năng cần tập trung rà soát để điều chỉnh quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch không gian phát triển đô thị làm nền tảng để phát triển, tránh tình trạng trùng lắp, chỗ thừa, chỗ thiếu.

Đà Nẵng là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư, điều đó thể hiện tiềm năng lớn của thành phố đồng thời cũng là kết quả từ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của chính quyền. Để tạo thêm sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, theo ông Đà Nẵng cần tiếp tục quan tâm đến những vấn đề gì?

Theo kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm mà VCCI công bố, PCI của Đà Nẵng trong nhiều năm qua liên tục nằm trong Top đầu. Điều đó đã phản ánh môi trường đầu tư và nỗ lực của chính quyền thành phố. Vì thế, theo tôi, Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy và cải tiến PCI theo hướng ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng thuận lợi hơn trong xây dựng chính sách, các thủ tục đầu tư dự án.

Đối với việc phát triển doanh nghiệp, thành phố cần có chính sách quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho phong trào khởi nghiệp nói chung và các dự án khởi nghiệp công nghệ nói riêng, nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TP.Đà Nẵng trong xu hướng nền kinh tế tri thức, phát huy là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trân trọng cảm ơn ông!