QUẢNG BÌNH

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình: Phát huy vai trò “cầu nối” thu hút đầu tư

10:25:06 | 29/7/2020

Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), tạo đà đẩy mạnh thu hút đầu tư được tỉnh Quảng Bình xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương. Ông Phạm Tiến Duật, Phó Trưởng Ban Quản lý (BQL) KKT tỉnh chia sẻ về nội dung này. Ngọc Tùng thực hiện.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển và kết quả thu hút đầu tư của các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua?

Sau hơn 30 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Điều này có đóng góp đáng kể từ việc phát huy hiệu quả các KCN, KKT của tỉnh.

Đến nay, Quảng Bình được Chính phủ phê duyệt 2 KKT và 8 KCN, với vị trí địa lý thuận lợi, giá trị cạnh tranh cao; gắn kết chặt chẽ với hành lang kinh tế Ðông - Tây; liên kết hiệu quả với các vùng kinh tế khác trong khu vực.

KKT Hòn La là KKT ven biển có vị trí hết sức thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. Nơi đây có cảng biển nước sâu Hòn La thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế thông qua hành lang kinh tế Ðông - Tây, từ Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam. Tuyến đường quốc lộ 1A đi qua khu vực này là một lợi thế quan trọng để nâng cao giá trị cạnh tranh của KKT Hòn La.

KKT Cửa khẩu Cha Lo là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, kết nối với hành lang kinh tế quốc lộ 12A, hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh và KKT Hòn La. Đây là đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, trung tâm dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với các nước: Lào, Thái Lan; đảm bảo tính liên kết, hợp tác với các KKT trong khu vực như: Lao Bảo, Cầu Treo và Vũng Áng.

Bên cạnh đó, 8 KCN được phân bố khắp cả tỉnh với tổng diện tích hơn 2000 ha, có cơ sở hạ tầng đang từng bước hoàn thiện. Các KCN có vị trí gần các vùng nguyên liệu, tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, qua đó đảm bảo cho các nhà đầu tư dễ dàng vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Hiện nay, tại các KKT, KCN đã thu hút 143 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 56 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ đạt 14.935 tỷ đồng, tăng 77% so với giai đoạn 2010 - 2015; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 7.718 tỷ đồng, tăng 125% so với giai đoạn 2010 - 2015; hàng hóa qua cảng Hòn La đạt 6.596 tấn, tăng 65% so với giai đoạn 2010 - 2015; nộp ngân sách nhà nước đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 180% so với giai đoạn 2010 - 2015. Giá trị kim ngạch qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đạt 9,15 tỷ USD, tăng 60% so với giai đoạn 2010 - 2015, cao nhất trong các cửa khẩu có biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Công tác đầu tư, sửa chữa, quản lý cơ sở hạ tầng tại các KCN, KKT được Ban chú trọng ra sao nhằm đảm bảo hiệu quả của các dự án đầu tư và phục vụ thu hút đầu tư?

Từ nguồn vốn Trung ương và nguồn ngân sách của tỉnh, Quảng Bình đã tăng cường xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng KCN, KKT theo hướng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Trong đó, tập trung ưu tiên xây dựng những dự án thiết yếu, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản như: giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, khu trung chuyển hàng hóa, hệ thống bến bãi chuyển khẩu, kiểm hóa... phục vụ công tác thu hút đầu tư và hoạt động thương mại qua cửa khẩu. Ban cũng chỉ đạo Công ty Quản lý hạ tầng KKT thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng tại các KKT và KCN. Thường xuyên theo dõi và giải quyết kịp thời các vướng mắc về hạ tầng của doanh nghiệp trong KCN, KKT.

Chú trọng việc cung cấp nước sạch và đảm bảo hệ thống điện chiếu sáng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh tạo môi trường xanh sạch đẹp tại KCN, KKT. Tăng cường kiểm tra, bảo vệ cảnh quan và hạ tầng giao thông đối với các đơn vị thi công tại các KCN, KKT; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường tại các KCN, KKT.

Công tác đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư; đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư đã được Ban chú trọng ra sao, thưa ông?

Những năm qua, Ban luôn tập trung chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC); rà soát và tham mưu UBND tỉnh cắt giảm các TTHC không cần thiết. Đa số các TTHC được thực hiện thông qua cơ chế một cửa tại chỗ, giúp thời gian giải quyết các thủ tục được rút ngắn; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) luôn chu đáo, nhiệt tình hướng dẫn nhà đầu tư. Ban quản lý KKT luôn được UBND tỉnh đánh giá cao trong công tác cải cách hành chính và thường xuyên nằm trong tốp đầu trên bảng xếp hạng về công tác cải cách TTHC của tỉnh.

Hiện nay, Ban đã xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về pháp luật đầu tư; tìm kiếm các thông tin về các nhà đầu tư có nhu cầu, tiềm năng để mời gọi; kết nối, giới thiệu với các đối tác trong và ngoài nước về các dự án đầu tư vào KKT, KCN của tỉnh. Tiếp tục kiện toàn và đổi mới, nâng cấp nội dung website, cập nhật thường xuyên tin bài, xây dựng các phóng sự, chuyên đề nhằm giới thiệu quảng bá tiềm năng thế mạnh KCN, KKT của Quảng Bình.

Tập trung triển khai công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ trong đó phát huy tính chủ động, nâng cao khả năng hỗ trợ của CBCCVC đối với tổ chức, cá nhân tới làm việc. Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nhà đầu tư có năng lực để công tác đầu tư có hiệu quả thiết thực. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư cũng như trong quá trình xây dựng và khi đi vào hoạt động.

Vừa qua, Ban đã chủ trì cùng với các sở, ban ngành và địa phương liên quan để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 25/7/2019 về việc đẩy mạnh phát triển KKT Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo gắn với hành lang kinh tế Quốc lộ 12A đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là Nghị quyết chuyên đề về phát triển các KKT mang tính đột phá, nhằm tăng cường, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các KKT của Quảng Bình.

Theo đó, tỉnh sẽ có kế hoạch tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng các KKT được đồng bộ, hiện đại. Thực hiện cơ chế chính sách phát triển năng động, có môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển các loại hình công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Một trong những “lối mở” để làm hài lòng doanh nghiệp về chất lượng điều hành của chính quyền là kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Vietnam Business Forum trích đăng một số ý kiến, chia sẻ của doanh nghiệp tại Quảng Bình “hiến kế” giúp tỉnh cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Bùi Xuân Vương
Chủ tịch HĐTV Gold Coast Hotel Resort Quảng Bình

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch, lượng du khách đều tăng trưởng qua mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ khách lưu trú (nhất là du lịch nghỉ dưỡng) vẫn đang còn hạn chế. Trong khi đó, du lịch nghỉ dưỡng đóng góp lớn vào tổng giá trị tăng trưởng của ngành du lịch cũng như góp phần thúc đẩy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, nông nghiệp… của địa phương.

Theo tôi, tỉnh cần tập trung quảng bá về du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt chú trọng thu hút khách nghỉ dưỡng nước ngoài theo hướng trọng điểm. Đồng thời, quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng tại một số khu vực trọng điểm, có tiềm năng. Đơn cử như khu vực ven biển Bảo Ninh đang tập trung nhiều khách sạn 4 đến 5 sao và tương lai sẽ là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Tỉnh cần quy hoạch, khuyến khích đầu tư các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại, khu vui chơi giải trí, tạo sân chơi cho du khách nhằm thu hút và giữ chân du khách, tăng khả năng chi tiêu.

Bên cạnh đó, theo tôi tỉnh cần nghiên cứu kỹ việc triển khai Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu, trong đó có việc đầu tư con đường dạo ven biển Bảo Ninh, cần tính đến yếu tố tác động môi trường, giữ gìn giá trị tự nhiên riêng của bãi biển, nhất là sự yên tĩnh, thơ mộng trong mắt của du khách nước ngoài.

Ông Phan Văn Thành
Chủ tịch HĐTV Công ty CP Việt Trung Quảng Bình

Cổ phần hoá doanh nghiệp là chủ trương lớn được Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh triển khai và Công ty cổ phần Việt Trung Quảng Bình thực hiện việc này từ năm 2017. Trong quá trình chuyển đổi, vận hành còn bộc lộ một số hạn chế và đang được UBND tỉnh nghiên cứu, hoàn thiện. Tập thể cán bộ công nhân viên Công ty mong muốn tỉnh sớm hoàn thiện các cơ chế, thủ tục hành chính đối với mô hình doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ nhằm tạo sự chủ động và linh hoạt, nhất là trong việc nắm bắt các cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Công ty cũng mạnh dạn đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu và xin chủ trương Chính phủ thoái dần phần vốn nhà nước để các đối tác mạnh dạn đầu tư vốn và tham gia sâu hơn vào các quyết định chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn An Bích
Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long - Chi nhánh Quảng Bình

Năm 2018, chúng tôi được UBND tỉnh Quảng Bình và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp phép đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép, tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới. Chỉ sau 10 tháng thi công, đầu năm 2019, dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đến nay.
Chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc, quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh trong việc tạo điều kiện để chúng tôi khảo sát, thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư. Trước khi quyết định đầu tư tại Quảng Bình, doanh nghiệp cũng đã khảo sát tại các tỉnh trong khu vực, tuy nhiên Quảng Bình có nhiều yếu tố thuyết phục chúng tôi như vị trí, vùng nguyên liệu, mặt bằng, lao động

Nguồn: Vietnam Business Forum