Hơn 6 năm qua, sự khắc nghiệt của thiên thiên cùng biến động của thị trường đã đặt Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình đứng trước muôn vàn thử thách. Nhưng phát huy truyền thống 2 lần Anh hùng, bằng tinh thần đoàn kết, sự chủ động, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu, Công ty đã từng bước tháo gỡ khó khăn, bước đầu gặt hái một số thành công để vững vàng bước tới tương lai.
Tiền thân là Nông trường Quốc doanh Việt Trung thành lập ngày 01/01/1961 trên cơ sở hợp nhất từ 3 cơ sở Nông trường Phú Quý, Nông trường Quân đội Sen Bàng và Trại chăn nuôi Thuận Đức; qua một số lần chuyển đổi, đến tháng 10/2017, Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình thành lập (Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ); hiện quản lý, sử dụng 2.940,56 ha đất, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp và trồng cây cao su.
Quyết tâm vươn lên
Có lẽ hơn 6 năm qua là chặng đường gian nan nhất trong hành trình gần 6 thập niên phát triển của Nông trường Việt Trung. Ông Phan Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Từ năm 2013 đến nay, giá mủ cao su thiên nhiên trên thị trường giảm mạnh, chỉ còn 30-40% so với giai đoạn 2010-2012 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Việt Trung cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, bởi đây luôn là nguồn chiếm trên 90% doanh thu hàng năm.
Giữa lúc gian khó, thiên tai lại nối tiếp ập đến. Sau 2 cơn bão số 10, 11 năm 2013, vườn cao su 2.000 ha đang trong độ tuổi khai thác bị thiệt hại nghiêm trọng, sản lượng mủ khai thác sụt giảm. Từ đỉnh cao, Việt Trung rơi xuống vực thẳm: Doanh thu đang trên đà tăng từ 170 tỷ đồng (năm 2011) lên 198 tỷ đồng (năm 2012) đã “lao dốc” xuống 118 tỷ đồng (năm 2013), 60 tỷ đồng (năm 2014) và chỉ 32 tỷ đồng (năm 2016). Kinh doanh thua lỗ, nợ bảo hiểm xã hội, ngân hàng nhiều chục tỷ đồng; thu nhập và đời sống người lao động sa sút. Cây cao su một thời được coi là “vàng trắng”, nguồn thu chính bỗng dưng thành nỗi trăn trở, gánh nặng của Công ty và hàng trăm gia đình. Nhưng công sức vun trồng, chăm sóc và hơn thế là niềm tin về cây cao su còn lớn nên cán bộ công nhân viên (CBCNV) tiếp tục động viên, huy động nguồn lực để giữ vườn, khôi phục diện tích thiệt hại. Lúc này, bài toán kinh doanh “không bỏ trứng vào một giỏ” được coi trọng, CBCNV lặn lội đến nhiều nơi, tìm đưa về một số loại cây, con mới, đồng thời mở rộng liên doanh liên kết với một số đối tác phát triến sản xuất, kinh doanh.
Khi cây cao su chưa liền vết sẹo, những người con bám trụ nơi đây còn đang nỗ lực xoay xở vượt khó thì tai họa lần nữa ập xuống. Cơn bão số 10/2017 giáng tiếp đòn chí mạng vào vườn cao su đang nảy chồi, mở tán; hàng chục tỷ đồng tiếp tục “gãy đổ” trước mắt. Cũng vào thời điểm đó, Công ty được phê duyệt, thực hiện chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang cổ phần hóa. Chủ tịch Phan Văn Thành chia sẻ: Nợ nần chồng chất, thiếu vốn sản xuất - kinh doanh, mất phương hướng phát triển,… khiến niềm tin nhiều CBCNV giảm sút. Áp lực đè nặng, làm sao sớm vượt qua khó khăn luôn là câu hỏi thường trực, là nỗi trăn trở đến cả bữa ăn, giấc ngủ của từng cá nhân Ban lãnh đạo. Hơn bao giờ hết, truyền thống đơn vị từng 2 lần Anh hùng, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo đã phát huy cao độ để quyết tâm vươn lên ngày càng mạnh mẽ. Tần suất các chuyến đi gặp đối tác, tìm hiểu thị trường của lãnh đạo nhiều hơn; thời gian bám đất, lăn lộn trên nông trường của CBCNV cũng dày đặc hơn. Thấu hiểu điều đó, các cấp chính quyền địa phương, đối tác đã liên tục chia sẻ, động viên, hỗ trợ Công ty vượt qua khó khăn.
Mở đường tiến bước
Từ quyết tâm vượt khó vươn lên, Ban lãnh đạo Công ty đã rà soát, bố trí lại các nguồn lực theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; một mặt động viên CBCNV khôi phục, chăm sóc vườn cây ít bị thiệt hại; đẩy mạnh khai thác mủ, chế biến gỗ xẻ gắn với mở rộng thị trường; thay thế một số diện tích cao su bằng các loại cây dược liệu, thực phẩm phù hợp; khuyến khích liên kết, phát triển các mô hình gia trại, trang trại. Công ty cũng đẩy nhanh triển khai dự án hợp tác chăn nuôi bò công nghệ cao với Tập đoàn Hoà Phát, đồng thời tiến hành liên kết trồng một số loại cây: Dứa và các loại cây ngắn ngày (với Công ty Tamico), Jatropha (với Công ty Star Nhật Bản), Sâm Bố Chính (Công ty Tuệ Lâm), cây Hương Bài (Công ty Hương Quý Sinh Nghệ An),… Công ty còn mạnh dạn đổi mới quản trị; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy giảm từ 23 xuống còn 13 phòng ban, đơn vị trực thuộc; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành; xây dựng môi trường làm việc năng động… và triệt để thực hành tiết kiệm.
Sự nỗ lực phấn đấu liên tục đã mang lại kết quả. Năm 2018 là năm đầu vận hành theo mô hình cổ phần, cũng là năm bắt đầu kinh doanh có lợi nhuận sau 5 năm thua lỗ liên tục, dù con số mới chỉ ở mức 840 triệu đồng. Trên đà thắng lợi, năm 2019, Việt Trung tiếp tục thành công khi doanh thu đạt 62 tỷ đồng, đóng BHXH các loại 19 tỷ đồng, nộp ngân sách 6,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng. Chủ tịch Phan Văn Thành phấn khởi: Những con số trên còn khiêm tốn nhưng quan trọng là đã định hình được hướng đi và niềm tin về tương lai đã được thắp dậy, lan tỏa trong CBCNV Công ty. Những kết quả đạt được trong năm 2018-2019 là nền tảng để Việt Trung bước vào năm 2020 cùng các năm tiếp theo với khí thế và động lực mới.
Giữ vững thành quả
Bước sang năm 2020, Công ty tiếp tục đối mặt với khó khăn về việc sắp xếp nguồn tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh; thị trường mủ cao su, ngành gỗ vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng và những tác động của đại dịch Covid -19… Để đối phó với thực trạng và giữ vững thành quả đạt được, Công ty đang thực hiện đồng bộ nhiều hướng đi, giải pháp; trước hết là tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động để người lao động suy nghĩ tích cực, nêu cao ý thức trách nhiệm để làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Công ty cũng đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chú trọng các loại cây ngắn ngày thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai, cho hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định.
Song hành với quan tâm đầu tư cho các dự án liên doanh, liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, Công ty sẽ mạnh dạn đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là công nghệ chế biến cao su, chế biến gỗ; đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa, đồng thời chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý 2 cấp, tiếp tục sắp xếp tinh gọn lại quy mô, bộ máy quản lý phù hợp…. tích cực xây dựng phong trào “Văn hóa doanh nghiệp”.
Chủ tịch Phan Văn Thành nhấn mạnh: Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh; qua đó tiếp tục giữ vững, phát huy thành quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời giúp tập thể CBCNV Việt Trung nỗ lực vươn lên mạnh mẽ để viết tiếp nên những trang sử mới đầy tự hào.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI