“Không để đứt gãy chuỗi sản xuất vì Covid-19” - đó là lời khẳng định từ bà Lê Thu Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng nhẹ, 0,5% so với năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,38%... Đó là những con số tỉnh nhà nỗ lực gặt hái được trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát và tái bùng phát liên tục khiến hoạt động xuất - nhập khẩu bị ảnh hưởng, lượng đơn hàng sụt giảm, khan hiếm đơn hàng mới….
Trước tình hình trên, bà Hải cũng đã nhận định, thời gian tới, tình hình ngành công thương Khánh Hòa cũng như cả nước sẽ còn chịu tác động từ nhiều phía, đặc biệt là từ đại dịch Covid-19. Theo đó, địa phương cũng đã bám sát tình hình chung để đề ra nhiệm vụ cụ thể, với tiêu chí năm 2021 phấn đấu thực hiện và so sánh với năm 2020 cụ thể gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 79.055 tỷ đồng, tăng 15,3%; kim ngạch xuất khẩu 1.400 triệu USD, tăng 2,94%; kim ngạch nhập khẩu 900 triệu USD, tăng 17,38%.
Như bà Hải cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất với gần 30.000 lao động. Vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, công tác phòng, chống dịch được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cũng chính việc các ổ dịch Covid-19 bùng phát và khó kiểm soát ở các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh là một bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp tại Khánh Hòa cảnh giác cao độ. Theo đó, lãnh đạo địa phương đã chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để vừa đảm bảo sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Đề cao vai trò của các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người lao động trong phòng, chống dịch bệnh, không hoang mang lo sợ nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch Covid-19. Tất cả đều vì mục tiêu chống chọi với rủi ro nhưng vẫn ổn định phát triển sản xuất.
Song song với việc thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh cũng sẽ triển khai những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đặc biệt là tăng cường đối thoại, đồng hành nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại; phối hợp tích cực với các ngành chức năng kiểm tra, ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Nguồn: Vietnam Business Forum