KHÁNH HOÀ

Ngành ngân hàng tỉnh Khánh Hòa: Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

12:07:13 | 5/7/2021

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đã có 3 năm liên tiếp đứng đầu khối cơ quan ngành về cải cách hành chính (CCHC), điều này thể hiện nỗ lực phát triển hệ thống ngân hàng hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN). Chi nhánh cũng luôn sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh nhà thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa chống dịch. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa. Kim Oanh thực hiện.

Ông có thể cho biết giai đoạn 2015-2020, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Giai đoạn 2015-2020 khép lại với những thành công đáng tự hào. Ngành đã thực hiện chủ trương giảm lãi suất của NHNN, hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm (năm 2016 là 7%/năm).Tín dụng tăng trưởng phù hợp với mục tiêu điều hành của NHNN và khả năng hấp thụ vốn của kinh tế tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn luôn đạt mức trên 14%. Riêng năm 2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,53% nhưng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn trong việc cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh trong điều kiện tăng trưởng kinh tế tỉnh âm 10,5% do tác động của dịch Covid-19.

Vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế; dư nợ cho vay ngành du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm tỷ trọng 69,5%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 23,34%; nông - lâm - thuỷ sản chiếm 7,24% trên tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Ngành cũng kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Năm 2020, thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh tăng trưởng mạnh, có 7.715.000 giao dịch ngân hàng thực hiện qua internet, điện thoại di động, trực tuyến với giá trị 101.067 tỷ đồng. Ngành cũng đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống người dân, nâng cao uy tín của hệ thống ngân hàng. Từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền ngành Ngân hàng hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa thực hiện công tác an sinh xã hội là gần 100 tỷ đồng.

Trước những khó khăn bủa vây, theo ông điều gì để Chi nhánh có được thành công trên?

Trước hết, ngành ngân hàng tỉnh luôn bám sát các giải pháp điều hành của Chính phủ, NHNN về hoạt động tiền tệ, ngân hàng để triển khai kịp thời đến các TCTD trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng, các chương trình kinh tế của tỉnh như chương trình kết nối Ngân hàng - DN, chương trình Bình ổn thị trường, chương trình tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP... Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính… Đặc biệt, yếu tố cốt lõi để ngành thành công như hôm nay chính là có sự đoàn kết, đồng lòng từ Ban lãnh đạo đến toàn thể cán bộ công nhân viên.

Riêng Chương trình kết nối Ngân hàng - DN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được Chi nhánh chú trọng thực hiện ra sao, thưa ông?

Từ khi triển khai Chương trình đến nay, Ngân hàng đã tổ chức 29 lễ ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi, thỏa thuận hợp tác. Hiện nay, mức lãi suất tối đa theo Chương trình đối với cho vay ngắn hạn VND là 4,5%/năm (cho vay thông thường trên địa bàn là 6,5% - 9%), lãi suất cho vay trung dài hạn là 8,1% - 9,5%/năm (cho vay thông thường 9% - 11%).

Trên tinh thần chia sẻ, thấu hiểu và đồng cảm, Chi nhánh đã chủ động phối hợp cùng các sở, ban ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN cũng như tích cực tổ chức các buổi đối thoại cùng DN.

Năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 vẫn chưa đến hồi kết nhưng đây sẽ là cơ hội lớn để DN phát triển nếu nắm bắt đúng thời cơ. Do vậy, để phục hồi sản xuất kinh doanh, ngành đã có những biện pháp thiết thực, phù hợp với tình hình, đó là triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng; các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu, tập trung tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đẩy mạnh CCHC, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19; sẵn sàng đồng hành, tạo động lực cho DN phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum