Thực hiện chủ đề năm 2021 “Trách nhiệm, kỷ cương - thu hút đầu tư - tạo đà phát triển”, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên Vietnam Business Forum đã phỏng vấn ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị.
Một vài chia sẻ của ông về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh trong năm 2021?
Năm 2021, công tác thu hút đầu tư tại Quảng Trị tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ chủ động xúc tiến từ các năm trước và sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Cụ thể, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 56 dự án với tổng vốn đăng ký 69.594 tỷ đồng, cao hơn 10 lần năm 2020 (49 dự án với tổng vốn 6.811 tỷ đồng); trong đó có 07 dự án trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) với tổng vốn 62.046 tỷ đồng; 49 dự án ngoài KCN, KKT với tổng vốn 7.548 tỷ đồng. Nổi bật có thể kể đến các dự án: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đa ngành Triệu Phú vốn 4.533 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Hướng Linh 5 vốn 1.346 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Hướng Hiệp 2 vốn 1.370 tỷ đồng;… và đặc biệt là Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - Giai đoạn I với tổng vốn đăng ký 53.667 tỷ đồng.
Trong 56 dự án trên có 02 dự án FDI, vốn đăng ký 2.405 triệu USD; luỹ kế trên địa bàn có 18 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn 2.485 triệu USD. Đến cuối năm 2021 có 11 dự án đi vào hoạt động với vốn đăng ký 37 triệu USD, 06 dự án đang triển khai với tổng vốn 2.445 triệu USD…
Cũng trong năm 2021 có 51 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 28.534 tỷ đồng (gấp 1,4 lần năm 2020); trong đó đáng kể nhất là việc 17 dự án điện gió đã hoàn thành, được công nhận vận hành thương mại với tổng mức đầu tư là 25.648 tỷ đồng.
Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 420 doanh nghiệp và 124 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn đăng ký 123.70 tỷ đồng, bình quân vốn 31,9 tỷ/doanh nghiệp. Cả số doanh nghiệp và vốn đăng ký đều giảm nhẹ so năm 2020.
Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tỉnh đang thực hiện giải pháp nào nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án?
Bên cạnh thực hiện tốt việc lập quy hoạch đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng; kịp thời ban hành các quy định, chính sách làm cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, tỉnh cũng rà soát tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư, phân loại các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. Đối với dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh giao các sở, ngành rà soát, đôn đốc, chấn chỉnh, thậm chí xem xét chấm dứt hoạt động.
Tỉnh cũng đã xây dựng Lưu đồ quy trình thủ tục giải quyết các thủ tục dự án đầu tư; làm rõ và gắn trách nhiệm trực tiếp đối với người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI; coi đây là chỉ tiêu quan trọng đánh giá tính cam kết, thông điệp của tỉnh Quảng Trị đối với các nhà đầu tư. Các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích, bưu điện; rút ngắn thời gian thẩm định, chấp thuận chủ trương và hỗ trợ tối đa nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Cùng với triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 01/6/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư nhằm khôi phục phát triển kinh tế-xã hội; tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; đồng thời đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn…
Là cơ quan đầu mối triển khai Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 2412/QĐ-UBND ngày 16/8/2021), theo ông, đâu là “điểm nghẽn” về nâng cao năng lực cạnh tranh và Sở đang tham mưu, thực hiện các giải pháp nào nhằm tháo gỡ?
Kết quả xếp hạng về PCI của tỉnh Quảng Trị năm 2020 có tăng nhưng còn ở mức thấp (xếp 41/63 tỉnh, thành phố), thuộc nhóm Trung bình. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật của các khu, cụm công nghiệp đều chưa được đầu tư hoàn thiện, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư đến khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế… Đây là những “điểm nghẽn” lớn đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Quảng Trị hiện nay.
Để khắc khục tình trạng trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang, sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp:
- Thường xuyên chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, quán triệt nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, nhất là tại bộ phận “một cửa”; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức sai phạm, nhũng nhiễu gắn vai trò của người đứng đầu trong thực hiện từng chỉ số thành phần.
- Rà soát, cắt giảm các thủ tục về gia nhập thị trường, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng bình đẳng, công bằng, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đăng tải thông tin các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp trên hệ thống thông tin pháp luật, mở chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thực hiện tốt công tác tiếp cận và giải quyết khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo thẩm quyền
- Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được bình đẳng, thuận lợi trong tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, thông tin, khoáng sản...
- Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia ý kiến, giải pháp để xây dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
- Huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trong KCN, KKT. Thu hút các dự án đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải; các dự án đầu tư hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp
Năm 2020, chỉ số Gia nhập thị trường của tỉnh đạt 7,73 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố và cao nhất trong 10 chỉ số thành phần. Ông đánh giá thế nào về kết quả này, đồng thời Sở đang thực hiện giải pháp nào nhằm cải thiện thứ hạng của chỉ số hơn nữa?
Năm 2020, trong các chỉ số thành phần PCI, chỉ số Gia nhập thị trường của tỉnh có số điểm cao nhất (7,73 điểm), tăng 0,56 điểm so năm 2019 (xếp 34/63 tỉnh/thành phố). Theo đánh giá của VCCI, năm 2020, Quảng Trị là một trong số 15 tỉnh có thời gian đăng ký doanh nghiệp thành lập mới ngắn nhất và là một trong 08 tỉnh có thời gian xử lý hồ sơ thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp ngắn nhất cả nước. 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trả kết quả đúng và trước hẹn. Thời gian xử lý bình quân dưới 2 ngày/hồ sơ (bình quân cả nước 02 ngày). Năm 2020, tỉnh tiếp nhận 2.797 hồ sơ, 100% hồ sơ được số hóa, 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trả kết quả trước, đúng thời hạn, trong đó thời gian trung bình xử lý hồ sơ trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia chỉ 0,51 ngày.
Hiện Sở đã ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 301/KH-SKH ngày 26/2/2021 và Kế hoạch số 1901/KH-SKH ngày 27/8/2021 về việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Sở sẽ thực hiện một số giải pháp liên quan trực tiếp đến chỉ số Gia nhập thị trường, như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ tại bộ phận “một cửa”; khuyến khích động viên các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường đăng ký kinh doanh qua mạng và hợp đồng với bưu điện để nộp và trả kết quả qua đường bưu điện;…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI