Vượt qua khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19, các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định là điểm đến an toàn và hấp dẫn của các nhà đầu tư. Phóng viên VBF đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc về những giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” trong các KCN Vĩnh Phúc. Nguyệt Thắm thực hiện.
Xin ông vui lòng chia sẻ những giải pháp chính Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã và đang triển khai trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đạt được “mục tiêu kép” trong các KCN?
KCN là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp với số lượng lớn lao động. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn thì các KCN chính là địa điểm dễ lây lan với tốc độ nhanh nhất. Để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN, chúng tôi đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về công tác phòng, chống dịch Covid-19: Thành lập ngay các Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Ban Quản lý các KCN và Tổ kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp; tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch với các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp ký và thực hiện cam kết về phòng, chống dịch Covid-19; đôn đốc, theo dõi các doanh nghiệp thực hiện đăng ký xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% công nhân, người lao động trong KCN và thực hiện đăng ký xét nghiệm đối với đối tượng mở rộng có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 của doanh nghiệp.
Cùng với đó, phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh và các doanh nghiệp kiểm soát, nắm bắt các yếu tố có liên quan đến dịch bệnh của chuyên gia người nước ngoài, người lao động ngoại tỉnh, người đến, về Vĩnh Phúc từ vùng dịch bằng việc theo dõi lịch trình, bố trí chỗ ở để hạn chế ra, vào tỉnh; phối hợp kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa, quản lý các đối tượng lái xe và người đi cùng bằng việc yêu cầu doanh nghiệp đăng ký kế hoạch vận chuyển hàng hóa hàng tuần, hàng ngày; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, đôn đốc để kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm; nắm bắt tình hình cách ly y tế đối với người từ vùng dịch trở về là chuyên gia, lao động của các doanh nghiệp trong KCN; phối hợp kiểm tra việc thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua quét mã QR Code tại các doanh nghiệp; xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN trong tình hình mới; đôn đốc, giám sát, kiểm tra doanh nghiệp về việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên Bản đồ Antoancovid.vn; làm đầu mối tiếp nhận thông tin các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.
Đồng thời, hối hợp với Sở Y tế, tổng hợp danh sách đề nghị UBND tỉnh tiêm vắc xin phòng Covid-19; kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 của các KCN cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, Sở Y tế và các cơ quan có liên quan; đề xuất về các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch thì kết quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong các KCN Vĩnh Phúc những tháng vừa qua có nhiều khởi sắc. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả này?
Với những cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý các KCN trong công tác phòng chống dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư kinh doanh tại các KCN tiếp tục ổn định và phát triển. Trong 10 tháng đầu năm 2021, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 24 dự án FDI mới và 21 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký 930,49 triệu USD; 12 dự án DDI mới và 02 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.812,24 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/10/2021, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc là 406 dự án, gồm 77 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là 20.342,44 tỷ đồng và 329 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 5.379,93 triệu USD.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN Vĩnh Phúc, 09 tháng đầu năm 2021, đã ghi nhận những cố gắng lớn của các doanh nghiệp FDI với: Doanh thu đạt 4.901,48 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị xuất khẩu đạt 3.765,18 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020; nộp ngân sách đạt 2.770,88 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp DDI tuy có nhiều khó khăn song cũng đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua các khó khăn để phát triển sản xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp trong KCN đã giải quyết việc làm cho khoảng 106.064 người, trong đó lao động trong tỉnh là 72.469 người, chiếm 68,3% tổng số lao động đang làm việc tại các KCN
Để tiếp tục đạt được ‘mục tiêu kép” trong các KCN, những giải pháp chính sẽ được Ban tập trung thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được kiểm soát, song Ban Quản lý các KCN luôn quán triệt các KCN không được chủ quan lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19: tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Thực hiện tốt thông điệp 5K+5T của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh (thông qua các văn bản chỉ đạo của Ban). Chỉ đạo Tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp hoạt động tối đa, kiểm soát chặt người đến, về từ các vùng có nguy cơ cao để có biện pháp, phương án theo dõi, giám sát, cách ly, xét nghiệm ngay khi cần thiết. Đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương xây dựng phương án để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” tại doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động, khuyến kích cán bộ, chuyên gia, người quản lý, công nhân lao động hạn chế di chuyển qua lại giữa các tỉnh có nguy cơ cao và Vĩnh Phúc.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm… để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các doanh nghiệp trong KCN ngày báo cáo. Thành lập tủ thuốc, test nhanh Covid-19 theo xác suất 3-5%,tự kiểm soát dịch bệnh tại doanh nghiệp. Phối hợp tiêm phòng COVID-19 cho các doanh nghiệp trong KCN.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ và công tác phòng, chống COVID-19; gửi kế hoạch vận tải hàng hóa tuần cho Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan; tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVI-19 trong điều kiện mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
07-18/11/2023
La Habana, Matanzas (Cuba), Los Angeles, San Jose, San Francisco (Hoa Kỳ)
10/10/2023
Tòa nhà VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
4/10/2023
Khách sạn Novotel, Số 02 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội