Những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có sự đổi mới từ khâu khảo sát xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện; nội dung thanh tra có trọng tâm trọng điểm; chất lượng, tiến độ các cuộc thanh tra được nâng lên; kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, đã hạn chế tối đa việc trùng lắp, chồng chéo, trong việc thanh, kiểm tra, nhất là đối với doanh nghiệp (DN). Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Trương Văn Nam, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang về nội dung này.
Ông có thể chia sẻ vài nét về sự phát triển của ngành Thanh tra Bắc Giang sau 25 năm tái lập tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những năm tới?
Năm 1997 khi tỉnh Bắc Giang mới tái lập, Thanh tra tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và nhân lực. Trong khi đó, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) ngày càng phức tạp.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã được tăng cường về nhân lực và cơ sở vật chất, củng cố bộ máy tổ chức. Đến nay, toàn ngành có 28 cơ quan, gồm: Thanh tra tỉnh, 17 cơ quan thanh tra sở, ngành và 10 cơ quan thanh tra cấp huyện với tổng số 213 công chức (hầu hết đã được bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên).
Ngành Thanh tra tỉnh luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân và phòng chống tham nhũng. Nhờ đó, tình hình tiếp dân và giải quyết KNTC của công dân trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp.
Từ năm 1997 đến nay, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng 03 bằng khen, 01 cờ thi đua; Thanh tra Chính phủ tặng 08 cờ thi đua xuất sắc; 90 lượt tập thể và 105 lượt cá nhân được Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen…
Trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng về chuyên môn của Thanh tra Chính phủ để xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, được dư luận quan tâm; triển khai thực hiện 100% cuộc thanh tra đã được phê duyệt và đột xuất khi được giao.
Phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra; gắn với trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị và giao nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân trong việc tổ chức thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các quyết định, kết luận; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, có hành vi tiêu cực…
Thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sự việc thiếu sót, sai phạm của một số cơ quan, DN và kịp thời tham mưu ngăn chặn, xử lý và khắc phục hậu quả. Ông có thể nói rõ hơn về kết quả này?
Trong năm 2020 và 09 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã triển khai 243 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực tại 603 đơn vị; 315 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 1.991 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm với tổng số tiền 69,6 tỷ đồng và 687.268m2 đất các loại; đã xử lý, thu hồi về ngân sách nhà nước 37,2 tỷ đồng; giảm giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng các biện pháp tài chính khác 32,4 tỷ đồng và 687.268m2 đất; xử lý hành chính đối với 62 tập thể, 429 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 02 vụ việc, 08 đối tượng.
Các sai phạm chủ yếu phát hiện qua công tác thanh tra là trong quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính ngân sách, việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước… Những sai phạm đã được các cơ quan thanh tra xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời kiến nghị xử lý về hành chính đối với các tập thể, cá nhân có vi phạm. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực QLNN trên các lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nói riêng.
Để nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, hạn chế thanh, kiểm tra trùng chéo, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Thanh tra tỉnh có giải pháp gì, thưa ông?
Những năm qua, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với DN (xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không thanh, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN) và Quyết định số 419/2015/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng QLNN đối với DN, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh; tránh chồng chéo trong công tác thanh, kiểm tra…
Hàng năm, Thanh tra tỉnh đã chủ trì, phối hợp cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý trùng chéo ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với DN của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Sau đó, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với DN của các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh. Qua đó, đã khắc phục triệt để việc trùng chéo trong kế hoạch thanh, kiểm tra đối với DN; đảm bảo mỗi DN chỉ thanh, kiểm tra không quá 01 lần/năm. Đồng thời thực hiện công khai kế hoạch thanh, kiểm tra đối với DN trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh.
Mặt khác, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; thực hiện việc rà soát, xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra DN trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Xin chia sẻ thêm, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, để hỗ trợ DN đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ngày 21/6/2021 Chánh Thanh tra tỉnh đã có Công văn số 267/TTr-PTT, đề nghị các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và cơ quan trung ương đóng tại địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm các cuộc thanh, kiểm tra DN, HTX, liên hiệp HTX trong năm 2021. Sau đó, Thanh tra tỉnh đã trình Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh giảm 626 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với DN (giảm 62,29%) so với kế hoạch đầu năm.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 04/6/2021 về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Thanh tra tỉnh được giao thực hiện các nhiệm vụ: làm đầu mối Chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” (mục tiêu năm 2021 đạt từ 6,7 điểm trở lên, tăng 0,23 điểm so với năm 2020); chủ trì các chỉ tiêu: “Tỷ lệ DN bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm (%)”,“Nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp (%)” và “Thanh tra, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu DN (%)” trong Chỉ số thành phần “Chi phí thời gian”; Chủ trì chỉ tiêu “Lãnh đạo tỉnh sẽ không bao che và nghiêm túc kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu DN (%)” thuộc Chỉ số thành phần “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. |
Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, thực hiện Công văn số 5785/TTCP-KHTC ngày 06/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh đã có Công văn số 502/TTr-PTT yêu cầu thanh tra các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, thanh tra các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, yêu cầu các đơn vị điều chỉnh giảm các cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch năm 2021 chưa thật sự cần thiết; chuyển phương pháp tiền kiểm tra sang hậu kiểm tra. Ngày 29/10/2021, trên cơ sở đề xuất của Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2180/QĐ-UBND tiếp tục điều chỉnh giảm 68 cuộc thanh tra, kiểm tra DN của một số sở, ngành và 01 huyện.
Thanh tra tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với thực tế, bảo đảm thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nghiên cứu đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra trong chuẩn bị, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra. Cụ thể: Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ, tài liệu về cơ quan thanh tra; khi làm việc, trao đổi thì thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến, hạn chế tối đa hoạt động thanh tra trực tiếp tại các tổ chức, DN.
Thời gian tới, Thanh tra tỉnh tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan QLNN trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo toàn ngành tăng cường thanh, kiểm tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, có các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, DN…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI