Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô cũng như hiệu quả. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Sóc Trăng về nội dung này. Ngọc Tùng thực hiện.
Đến nay mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có sự đổi mới ra sao nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động, thưa ông?
Tính đến nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở GDNN, gồm: 15 cơ sở GDNN công lập, 05 cơ sở GDNN ngoài công lập, được phân bố đều trên 11 huyện, thị xã, thành phố. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo GDNN cũng có sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng với 651 người. Các giảng viên, giáo viên GDNN ngày càng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn. Tính đến ngày 31/12/2021, có 163 nhà giáo có trình độ trên đại học (tăng 91,41% so với năm 2011), 258 nhà giáo có trình độ đại học (tăng 80,62% so với năm 2011), 127 nhà giáo có trình độ cao đẳng, trung cấp (tăng 79,78% so với năm 2011).
Cùng với đó, công tác biên soạn giáo trình đào tạo cũng có nhiều đổi mới theo quy định của Bộ LĐ-TBXH, đảm bảo người học sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra. Tính đến nay, có 282 chương trình đào tạo được biên soạn, chỉnh sửa, gồm 129 chương trình, giáo trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 153 chương trình thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Việc xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình được các cơ sở thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tế và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chuyển hướng mạnh đào tạo từ cung sang cầu của thị trường lao động. Các cơ sở GDNN đã chủ động gắn kết với doanh nghiệp (DN), thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác; thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Kết quả, trong 30 năm qua tỉnh tuyển sinh, đào tạo được 440.518 người; giải quyết việc làm sau đào tạo cho 393.514/440.518 người, chiếm tỷ lệ 89,33% số người được công nhận tốt nghiệp.
Các ngành, nghề liên kết đào tạo trên địa bàn có nhiều lao động chất lượng như: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, nuôi trồng thủy sản (nước ngọt, nước mặn, nước lợ), chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm,... Người học được đảm bảo việc làm sau đào tạo, với thu nhập bình quân từ 05-08 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh công tác đào tạo, việc giải quyết việc làm cho người lao động cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là sau những tác động của dịch bệnh Covid-19. Vấn đề này được Sóc Trăng chú trọng ra sao?
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Sóc Trăng có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Cùng với thế mạnh nông nghiệp, dịch vụ và du lịch cũng ngày càng chiếm tỷ trọng cao; tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của các DN trong và ngoài nước. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp then chốt hàng đầu nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều DN trong tỉnh đã chú trọng nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động nhằm thu hút nguồn nhân lực tại địa phương. Trong ảnh: Giờ ăn của công nhân Công ty CP May Nhà Bè Sóc Trăng
Theo đó, Sở LĐ-TBXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021 - 2025. Để đáp ứng nhu cầu lao động sau dịch, Sở đề nghị DN có nhu cầu tuyển dụng lao động đăng ký số lượng, trình độ tay nghề của người lao động để làm cơ sở đào tạo cung ứng cho DN. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu việc làm của người lao động, từ đó thực hiện phân loại nhóm lao động cung ứng theo nhu cầu của DN.
Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, các chính sách về GDNN gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và công tác định hướng phân luồng học sinh, định hướng việc làm cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông,… Tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm tỉnh để tạo cầu nối việc làm cho người lao động, DN và cơ sở GDNN bền vững, hiệu quả.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh ngành, nghề đào tạo; hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN. Huy động các nguồn lực xã hội cùng ngân sách nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và tổ chức đào tạo; cùng với đó là các là các hoạt động quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động trở về làm việc tại tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đối với giải pháp tăng cường liên kết với DN trong đào tạo và giải quyết việc làm sẽ được tỉnh quan tâm như thế nào, thưa ông?
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và DN, Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo với sự tham gia của các trường và DN. Hiện đã có 15 cơ sở GDNN của tỉnh hợp tác với DN để gửi học sinh, sinh viên, người học nghề thực tập, thực tế tại DN; mời cán bộ kỹ thuật, kỹ sư... của DN tham gia giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo; tư vấn, tuyển dụng tại các buổi đối thoại, lễ trao bằng tốt nghiệp,... Các hoạt động đó không chỉ gắn công tác đào tạo với nhu cầu thực tế của DN, tạo cơ hội việc làm mà còn giúp học viên nâng cao trình độ, tác phong, đáp ứng nhu cầu tuyển lao động có tay nghề của các công ty, DN.
Năm 2022, Sở LĐ-TBXH tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu: Giải quyết việc làm mới cho khoảng 27.500 lao động (trong đó, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: 220 người); đào tạo nghề cho khoảng 16.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 2 - 3%, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer từ 3 - 4%.… |
Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu xây dựng chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trẻ, chuyên gia đầu ngành, người lao động giỏi về làm việc tại tỉnh…, giúp tư vấn trong thực hiện khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực, GDNN và giải quyết việc làm; kết nối DN xuất khẩu lao động với các cơ sở GDNN; thu hút các trung tâm đào tạo hoặc tổ chức nước ngoài đến xây dựng cơ sở đào tạo cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động… Việc chủ động hợp tác quốc tế giúp các cơ sở đào tạo nghề tiếp thu kinh nghiệm về GDNN của các nước theo nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Đó là cơ sở quan trọng để các cơ sở GDNN và các DN tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như làn sóng đầu tư mới. Điều đó sẽ góp phần nâng cao thứ hạng năng lực cạnh tranh, tăng điểm số, thứ bậc của chỉ số “Đào tạo lao động” cũng như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Sóc Trăng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum