Từ một tỉnh nghèo đứng hàng thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau 30 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng đã mạnh mẽ vươn mình trở thành tỉnh có mức tăng trưởng kinh tế khá trong vùng. Theo ghi nhận của ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, có được thành công này, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì những năm qua Sóc Trăng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, gợi mở những hướng đi đúng đắn để tỉnh nhà vươn lên phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của vùng ĐBSCL. Công Luận thực hiện.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật Sóc Trăng gặt hái được sau 30 năm tái lập cũng như những bài học kinh nghiệm được rút ra?
30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sóc Trăng đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên gặt hái được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện. Cụ thể:
- Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 57.120 tỷ đồng, gấp 38 lần so với năm 1992; GRDP bình quân đầu người tăng từ 1,34 triệu đồng năm 1992 lên 47,33 triệu đồng năm 2021; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1993- 2021 là 13,08%/năm. Trong giai đoạn từ năm 1992 - 2021, tỉnh đã huy động được 144.030 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội để đầu tư phát trên các lĩnh vực. Từ năm 2007 đến năm 2021, tỉnh đã tiếp xúc, gặp gỡ và cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư hơn 1.000 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư; đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 310 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 100.696,9 tỷ đồng; trong đó, có một số dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội như các dự án điện gió; dự án đầu tư Cảng tổng hợp Cái Côn; dự án nuôi tôm sạch công nghệ cao xuất khẩu; Bệnh viện Đa khoa Phương Châu; Trung tâm thương mại và nhà phố thương mại Vincom Sóc Trăng,…
- Công tác giáo dục và y tế cũng được quan tâm phát triển, năm học 2021-2022, tổng số trường học toàn tỉnh là 487 trường, tăng 265 trường so với năm học 1992-1993. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 355/487 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 76,18%, tăng 52,61% so với năm 2012. Mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện, năm 2021 tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 100%, tăng 81,90% so với năm 2004; có 91,70% Trạm y tế có bác sĩ phục vụ, tăng 43,50% so với năm 1992. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân năm 2021 là 31,78 giường bệnh/vạn dân, so với năm 1992 tăng 23,99 giường bệnh/vạn dân. Các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân của tỉnh năm 2021 là 8,38 bác sỹ/vạn dân, so với năm 1992 tăng 5,93 bác sỹ/vạn dân. Năm 2020 – 2021, tỉnh đã thành công trong công tác phòng, chống Đại dịch Covid-19, qua đó đã góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định đời sống và từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Công tác giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Cụ thể năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 36,7%, hộ thiếu đói từ 4 tháng trở lên phải cứu đói thường xuyên là 27,7%; đến giai đoạn 2001-2005 (theo kết quả điều tra năm 2001) tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 30,75%. Và năm 2021 (theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ), tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 6,64% (tương đương 22.120 hộ nghèo; trong đó, có 9.914 hộ Khmer nghèo, chiếm tỷ lệ 9,86% tổng số hộ nghèo). Tương tự, số xã nghèo cũng giảm, năm 2001 có 54 xã nghèo, đến năm 2021 còn 19 xã nghèo.
Những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật đạt được qua 30 năm tái lập tỉnh là nhờ vào sự đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích một cách khách quan, toàn diện các vấn đề, qua đó đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải có quyết tâm chính trị cao; hành động quyết liệt, trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, vừa xem trọng tính toàn diện, nhưngcó tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, tạo động lực phát triển; giải quyết hài hoà lợi ích chính đáng của các tầng lớp trong xã hội với những bước đi phù hợp, khả thi; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường.
Năm 2022 được nhận định là năm có nhiều khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế của Sóc Trăng, nhất là khi tỉnh đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 6,5% trở lên. Vậy để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hướng tới chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2022 là đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 6,5% trở lên. Giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 1,20 tỷ USD. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%-4%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đồng thời thực hiện quyết liệt, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung triển khai đồng thời Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh gắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với tinh thần “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”; tập trung chuyển đổi tư duy “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”; tăng cường hỗ trợ kết nối, giới thiệu doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản. Khẩn trương xây dựng và đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử. Tiếp tục chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội, những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Song song đó, Tỉnh tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm; cải thiện, nâng cao các chỉ số như: Chỉ số Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Một số giải pháp trọng tâm trong năm 2022 Tỉnh đang triển khai thực hiện như: tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, đây là sự kiện mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng cho các nhà đầu tư đến tỉnh để đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm chào mừng 30 năm tái lập tỉnh; tạo điều kiện đưa nhiều dự án đầu tư tư trên địa bàn đi vào vận hành và hoạt động.
Bên cạnh các giải pháp trong ngắn hạn, UBND tỉnh còn chỉ đạo thực hiện song song các công việc để chuẩn bị cho việc phát triển dài hạn trong tương lai. Trước hết là khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương và khả thi. Tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa và triển khai Quy hoạch Cảng biển nước sâu Trần Đề. Nghiên cứu, lập Quy hoạch vùng Huyện Cù Lao Dung để đầu tư bài bản, theo định hướng phát triển kinh tế du lịch. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Sóc Trăng trở thành đô thị loại II, quy hoạch hướng đến đô thị loại I trong tương lai.
Trong năm 2022 này, dự báo tình hình dịch bệnh, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu tiên những chính sách nào để đồng hành giúp DN vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn?
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2022 Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp và chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Cụ thể tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP 24/9/2021 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừatheo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành như Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 về cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, cho vay hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Song song đó, tỉnh sẽ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp thông qua các hội thảo, hội nghị và các kênh thông tin khác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tiếp tục phát huy vai trò Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết các kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI