“Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” là chủ đề mà thành phố Đà Nẵng lựa chọn trong năm 2022. Đây là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế
Trong 06 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố có dấu hiệu phục hồi khá tốt, đã thoát mức tăng trưởng âm của năm 2020, với mức tăng 5,09% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, làn sóng dịch lần thứ 4 quay trở lại, thành phố lại một lần nữa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nền kinh tế thành phố gần như “đóng băng” trong quý III (tăng trưởng kinh tế âm 10,17%). Trong quý IV, khi dịch bệnh được kiểm soát thì kinh tế thành phố đã tăng trở lại.
Ngay từ đầu năm 2021, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chủ đề năm 2021: “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Với sự tập trung lãnh đạo và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội nên Đà Nẵng đã về đích với những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. So với năm 2020, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 0,18%; giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 1,24%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 15,4%; doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 59.385 tỷ đồng, tăng 4,6%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 23.035,4 tỷ đồng; tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm đạt khoảng 0,81%.
Tuy nhiên, chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu kinh tế sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú ăn uống và lữ hành vẫn chưa thể phục hồi và thoát ra khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020, là ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước giảm 2,38% so với năm 2020, là năm đầu tiên khu vực này có mức tăng trưởng âm kể từ năm 2013 đến nay. Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2021 ước giảm 2,13% so với năm 2020…
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tổng số dự án đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới tính đến 15/12/2021 là 39 dự án, giảm 53,0% so với năm 2020, tuy nhiên một số dự án có quy mô tương đối lớn nên số vốn đăng ký tăng 16,3%, tương đương 149,87 triệu USD. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong năm 2021 đạt 3,84 triệu USD/dự án (năm 2020 đạt 1,55 triệu USD/dự án). Có 18 dự án đăng ký điều chỉnh vốn trong năm 2021 với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm là 30,1 triệu USD; có 49 lượt nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp đạt 11,45 triệu USD, gấp 2,24 lần năm 2020.
Về thu hút đầu tư trong nước năm 2021, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 7.748 tỷ đồng, tăng 35% về số dự án nhưng giảm 56,1% về vốn đăng ký.
Doanh nghiệp thành lập mới gia nhập thị trường trong quý IV/2021 có xu hướng tăng trở lại so với quý trước khi mà các hoạt động kinh tế và dịch vụ hành chính được khôi phục sau giãn cách. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể giảm dần, điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố.
Thích ứng an toàn và tăng tốc phục hồi, phát triển
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phục hồi kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, UBND thành phố đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch về việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố đã xây dựng 03 kịch bản tăng trưởng quý IV/2021 và năm 2022, định hướng năm 2023; xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quý IV/2021 và năm 2022-2023. Với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo công nghệ. 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 được thành phố xây dựng gồm mức thấp 4,9%, trung bình 6,2% và cao 8,11%.
Cũng theo ông Lê Trung Chinh, quan điểm chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới là: Phòng chống dịch chuyển từ chiến lược “Không Covid” sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Thực hiện mục tiêu kép, tập trung phòng chống dịch đồng thời chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Coi đảm bảo ổn định chính trị - xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng yếu, ý thức của người dân và tiêm vaccine là điều kiện tiên quyết, y tế là then chốt, khoa học - công nghệ là đột phá, phát triển kinh tế là nền tảng.
Quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân ủng hộ quan điểm, chủ trương của thành phố, nỗ lực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà thành phố đang áp dụng.
“Trong năm nay, thành phố sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đảm bảo phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) tăng 6-7% so với năm 2021”, ông Lê Trung Chinh cho biết thêm.
Nguồn: Vietnam Business Forum