ĐÀ NẴNG

PCI Đà Nẵng 2021: Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện

15:56:59 | 17/5/2022

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI) năm 2021 công bố ngày 27/4/2022, Đà Nẵng đứng thứ 4 toàn quốc với 70,42 điểm. Với kết quả này, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu khu vực duyên hải miền Trung.

Theo báo cáo PCI năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, Đà Nẵng đứng thứ 4 cả nước với điểm số 70,42/100, thuộc nhóm “Tốt”. Như vậy, sau 3 năm liên tiếp đứng vị trí thứ 5, năm nay Đà Nẵng đã tăng một bậc với điểm số cao nhất trong 5 năm qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong tổ khảo sát của VCCI và USAID, Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự ổn định nhất về chất lượng, năng lực điều hành kinh tế thời gian qua. Bên cạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, thành phố đã thành lập các tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng. Các tổ công tác liên ngành này giúp nắm bắt nhanh chóng các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó giúp chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các tổ công tác cũng hỗ trợ tích cực trong việc thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, PCI năm 2021 của Đà Nẵng có 5 chỉ số đạt điểm cao nhất trong vòng 5 năm qua, gồm: Tiếp cận đất đai (7,51/10 điểm, xếp thứ 10); Chi phí không chính thức (7,29/10 điểm, xếp thứ 23); Tính năng động của chính quyền tỉnh (7,01/10 điểm, xếp thứ 26); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,57/10 điểm, xếp thứ 9); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,33/10 điểm, xếp thứ 24).

Đặc biệt, chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự năm 2021 của Đà Nẵng đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu xếp hạng PCI (vào năm 2006); còn chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay, tăng 1,25 điểm so với năm 2020. Tuy vậy, ở chỉ số Gia nhập thị trường, Đà Nẵng ghi nhận sự giảm mạnh so với năm 2020 (từ 8,75/10 điểm còn 6,94/10 điểm, xếp thứ 30). Đây cũng là số điểm thấp nhất của thành phố ở chỉ số này từ năm 2006 đến nay. Điểm số ở chỉ số Tính minh bạch (6,3/10 điểm, xếp thứ 16) tăng so với năm 2020, song vẫn ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2006. Điểm Chi phí thời gian giảm đáng kể so với năm 2020 (từ 8,62/10 điểm còn 7,46/10 điểm, xếp thứ 32). Điểm Cạnh tranh bình đẳng (5,92/10, xếp thứ 35) cũng lần đầu tiên đi xuống sau 3 năm liên tiếp đi lên (2018-2020). Điểm Đào tạo lao động (7,15/10) đang ở mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay, dù vẫn xếp thứ 4 toàn quốc.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cùng Bình Dương và Quảng Ninh được đánh giá là có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam trong năm 2021, cũng là một trong những địa phương thường đứng đầu xếp hạng chỉ số Cơ sở hạ tầng nhiều năm qua. Chỉ số này bao gồm 4 chỉ số thành phần: Các khu/cụm công nghiệp; đường bộ; điện năng; viễn thông và các hạ tầng khác. Tuy nhiên, chỉ số này không được đo lường trong chỉ số PCI tổng hợp để bảo đảm công bằng cho các địa phương ở những vị trí địa lý khác nhau, cũng như khuyến khích việc phối hợp liên vùng để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng.

Theo ông Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đà Nẵng, dịch bệnh Covid-19 khiến thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế cũng không cao trong thời gian qua, nhưng kết quả PCI năm 2021 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn đánh giá rất tốt về Đà Nẵng.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm

Kể từ năm 2010 đến nay, Đà Nẵng có 11/12 lần đứng trong top 5 các tỉnh, thành phố có số điểm cao nhất cả nước, trong đó có 5 lần giành ngôi “quán quân”. Tuy nhiên, như một vị lãnh đạo tiền nhiệm của thành phố đã từng phát biểu “PCI nằm trong top đầu không có nghĩa là sức cạnh tranh đã tốt nhất”, vì thế thành phố phải tiếp tục cải cách.

Từ đầu năm 2022, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn thành phố. Kế hoạch xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Đà Nẵng. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của thành phố về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19; tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; cải thiện thứ hạng PCI. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm mà Đà Nẵng đặt ra là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật. Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lập kế hoạch số hóa và lưu trữ hồ sơ địa chính ở dạng số để đưa vào khai thác sử dụng tại các văn phòng đăng ký đất đai; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Triển khai mạnh mẽ việc kết nối liên thông điện tử để trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất.

Mặt khác, tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; trong đó tập trung nghiên cứu giải pháp cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án chuyển đổi số, chuyến đổi năng lượng và công nghệ tốt nhất, dự án xanh...; gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Nguồn: Vietnam Business Forum