ĐÀ NẴNG

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

03:10:53 | 18/5/2022

Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Đà Nẵng đã triển khai linh hoạt các giải pháp điều hành, vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực rất lớn cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả

Từ năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, kéo dài, Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và phải thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao.


Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở KCN Hoà Khánh

Đặc biệt, từ ngày 16/8/2021, trong thời gian hơn 20 ngày thực hiện quyết liệt nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đấy”, người dân không được ra khỏi nhà, cách ly tuyệt đối “nhà với nhà”, triển khai tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố. Chính quyền thành phố đã  thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhanh chóng khoanh vùng, thần tốc truy vết, bóc tách ca nhiễm đưa đi điều trị, nhờ đó số ca trong cộng đồng liên tục giảm, các ca mắc mới phát sinh nhanh chóng được khống chế. Đồng thời, thành phố đã tích cực thiết lập các điểm tiêm chủng quy mô lớn đáp ứng công tác tiêm chủng cho người dân, trong đó ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Công tác tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và triển khai ngay sau khi nhận vaccine phòng Covid- 19.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, chủ động và linh hoạt các chủ trương, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19, với quan điểm: Phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Phát huy sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong đó xác định: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Tiếp tục nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị, hạn chế tử vong. Trong đó, lưu ý kế hoạch, điều kiện để sẵn sàng triển khai thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả y tư nhân), sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ cao nhất (cấp độ 4).

Chỉ đạo các quận, huyện hoàn thiện kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú.

Tổ chức công tác truyền thông và vận động tất cả các cá nhân thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, chủ trương của thành phố là không chủ quan, không để bị động trong công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine cho người dân; đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19; hạn chế tình hình chuyển nặng của các ca bệnh, hạn chế tối đa tình trạng tử vong. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với Kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố đã khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg và Kế hoạch số 135/KH-UBND của thành phố về chính sách đặc thù để hỗ trợ trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Các nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ về tài chính, lãi suất vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... của Trung ương được các đơn vị triển khai có hiệu quả tại địa phương. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được hỗ trợ kịp thời, giảm bớt một phần gánh nặng, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng kinh phí của thành phố đã chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh khoảng 2.590 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch hơn 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh việc triển khai nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch Covid-19 của Trung ương, thành phố cũng đã triển khai đồng thời một số chính sách, hỗ trợ riêng của thành phố như: Cho vay, hỗ trợ lãi suất đối với chủ đầu tư vay vốn tại Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố; trong năm 2021, đã thực hiện cho vay đối với 14 dự án với tổng số vốn vay là 270 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục thẩm định để xem xét phê duyệt để giải quyết nhu cầu vốn cho 01 dự án vay 14 tỷ đồng.

Giảm tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, hỗ trợ giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 đối với các doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Dự kiến có khoảng 418 doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng mức tiền sử dụng hạ tầng được giảm khoảng 26 tỷ đồng.

Có chính sách điều chỉnh, giảm giá các loại đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, đã “điều chỉnh giá đất thương mại dịch vụ từ 80% thành 70% so với giá đất ở cùng vị trí; điều chỉnh giảm giá đất sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ từ 60% thành 50% so với giá đất ở cùng vị trí…”.

Hỗ trợ miễn giảm tiền nước đợt 1 cho các cơ sở được dùng làm nơi cách ly tập trung, các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo với tổng số tiền được miễn giảm là 1,434 tỷ đồng, số lượng khách hàng miễn giảm là 11.504 khách hàng.

Hiện Đà Nẵng đang nghiên cứu để giảm tiền nước đợt 2 cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ, các hộ gia đình đình đang áp giá nước sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tổng số khách hàng dự kiến được giảm khoảng 32.142 khách hàng, số tiền giảm giá ước tính 652,36 triệu đồng.

Miễn tiền thuê nhà chung cư, nhà ở xã hội, ký túc xá thuộc sở hữu Nhà nước 03 tháng cho hơn 11 nghìn người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền hơn 9,2 tỷ đồng.

Với những giải pháp và nỗ lực trên, Đà Nẵng đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Nguồn: Vietnam Business Forum