HÀ NỘI

Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Chìa khóa khơi dậy sức dân

10:02:06 | 16/8/2022

Trong xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng nhất chính là tập hợp được sức mạnh của người dân, một khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng sẽ thành công. Đây là tiền đề để thành phố tiếp tục khơi dậy sức dân cùng nhau xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

Phát huy vai trò của người dân

Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đã cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước trong huy động toàn dân tham gia. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và hiện nay là Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025". Con số thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy tổng nguồn lực đã huy động được để phát triển “tam nông” của TP trong giai đoạn 2016 - 2020 lên đến gần 57.000 tỷ đồng. Đáng khích lệ khi trong số này, vốn đóng góp ngoài ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp Nhân dân đạt gần 4.900 tỷ đồng. Bước sang giai đoạn mới 2021 - 2025, công cuộc xây dựng nông thôn mới của Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh trên tinh thần “lấy dân làm gốc, do dân và vì dân”. Năm 2021, các tầng lớp Nhân dân (bao gồm cả khu vực DN, hợp tác xã…) tiếp tục chung sức, đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.

Nguồn lực quan trọng từ sức dân giúp cho đến nay Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 382/382 xã. 13/18 đơn vị hành chính cấp huyện của TP cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích nông thôn mới, qua đó tiến dần đến mục tiêu 100% đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.

Tại xã Kim Sơn là xã cuối cùng của thị xã Sơn Tây về đích nông thôn mới năm 2018. Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, xã Kim Sơn đã từng bước đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tính riêng quãng thời gian từ năm 2018 - 2020, xã Kim Sơn đã huy động gần 19 tỷ đồng nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó nguồn vốn xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đạt gần 3,4 tỷ đồng. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đã huy động được hơn 140 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 12,9 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng nguồn vốn. Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ, Bùi Tất Thêm cho biết, bên cạnh những công trình hạ tầng trọng điểm như điện, đường, trường, trạm... được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, còn những công trình tâm linh, việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm thì kinh phí chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa.

Không riêng Đan Phượng, tại huyện Chương Mỹ, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, địa phương đã huy động được hơn 962 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách là hơn 222 tỷ đồng, chiếm 23,1%. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, đầu năm 2022, Chương Mỹ đã phát động hai đợt tổng vệ sinh môi trường, thu hút hơn 9.000 lượt người tham gia, giúp diện mạo nông thôn của huyện ngày càng đổi mới.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố là hơn 30.820 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là hơn 1.204 tỷ đồng (chiếm 3,91%). Nhân dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa xây dựng nông thôn mới nên rất hưởng ứng, nhờ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, có thêm nguồn lực đầu tư cho chương trình.

Giữ vững thành quả

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội nhận định, xây dựng nông thôn mới đã tạo nên phong trào thi đua mới rộng khắp các làng quê. Từ đây, tạo đà phát triển toàn diện lĩnh vực ở các địa phương. Người có của thì góp của, có sức thì góp sức, có ý tưởng thì hiến kế..., tạo phong trào thi đua trong mỗi gia đình, mỗi thôn xóm..., làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.

Đến nay, cùng với nguồn lực trong nhân dân, thành phố Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đầu cả nước. Bên cạnh đó, thành phố có 47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Nam- Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, địa phương dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới:  nhờ sự khích lệ, động viên đóng góp chung sức của cộng đồng, huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các xã khi tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đều tổ chức khen thưởng những tập thể và cá nhân có đóng góp cho phong trào. Việc khen thưởng kịp thời chính là nguồn động lực để nhân dân chung sức nhiều hơn cho phong trào xây dựng quê hương.

Trong khi đó, là huyện đang hoàn tất các tiêu chí để Trung ương xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, để phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, duy trì và nâng chất lượng, huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đặc biệt, UBND huyện duy trì những cuộc thi bảo vệ môi trường để toàn dân cùng chung tay xây dựng huyện xanh - sạch - đẹp, phát triển giàu đẹp, văn hóa, văn minh.

Hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện. Các địa phương đang tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Giai đoạn mới, việc khơi dậy sức dân vẫn tiếp tục là yêu cầu cấp thiết. Để cụ thể hóa nội dung trên, đòi hỏi các địa phương tiếp tục đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thành phố Hà Nội.

 Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)