Sở Công Thương Hà Nội cho hay, đến thời điểm này, toàn thành phố có khoảng 900 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp đã có những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố với mức 7,2% trong 7 tháng đầu năm 2022.
Hà Nội phấn đấu trong thời gian tới có khoảng 920 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong đó có trên 300 doanh nghiệp có tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế. Đồng thời đặt mục tiêu tỷ trọng của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% trong tỷ trọng phát triển công nghiệp chung của thành phố Hà Nội.
Trong thời gian qua, Sở đã tích cực tham mưu với UBND Thành phố Hà Nội, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô và cả nước.
Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.
Kết quả thể hiện qua việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng - đây là nhóm doanh nghiệp chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên.
Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Theo bà rần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể, việc cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, các bán thành phẩm ngay trong nội địa bảo đảm tính chủ động cho ngành công nghiệp, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu; góp phần hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực, giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp; giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI