Mặc dù là địa phương không có đường biên giới giáp Lào, nhưng những năm qua tỉnh Đắk Lắk vẫn chủ động thiết lập quan hệ hữu nghị với các tỉnh Champasak, Attapeu, Salavan, Sekong,... của đất nước Triệu Voi. Điều đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, mà còn tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, tiến tới hợp tác và phát triển toàn diện, làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Lào.
Lễ kết nghĩa giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk với Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sekong. Ảnh: Hữu Hùng
Đoàn kết, hợp tác toàn diện
Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng và đã được các thế hệ lãnh đạo kế tục, nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Hai bên luôn dành ưu tiên, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách hợp tác của chính phủ hai nước, thời gian qua, Đắk Lắk đã đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh Nam Lào trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển với tỉnh Champasak giai đoạn 2022 - 2026 (29/12/2021); với tỉnh Attapeu (02/6/2016); Thỏa thuận hợp tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sekong giai đoạn 2018 - 2023 (21/6/2016);…
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác vì hòa bình và phát triển với Hội Liên hiệp Phụ nữ 4 tỉnh Nam Lào (Attapeu, Champasak, Salavan, Sekong) giai đoạn 2017 - 2022 (21/4/2017); Biên bản ghi nhớ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk với Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Attapeu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2019 - 2022 (07/9/2018); Biên bản ghi nhớ giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk và Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Attapeu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (01/9/2019)…
Về đầu tư - thương mại, hiện có một dự án đầu tư phát triển cây cao su, cà phê, điều do Công ty cổ phần đầu tư cao su Đắk Lắk làm chủ đầu tư triển khai từ tháng 12/2014 tại các tỉnh Nam Lào, với tổng vốn đầu tư là 83.146.478 USD. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành kế hoạch đặt ra; công trình nhà máy chế biến mủ cao su công suất 18.000 tấn/năm cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Kim ngạch xuất khẩu mủ cao su nguyên liệu giữa Đắk Lắk và Lào giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12 triệu USD.
Trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình như: “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao Đoàn” (năm 2016); Chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tỉnh Nam Lào nhân kỷ niệm “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia - Lào” (năm 2017); Chương trình giao lưu nghệ thuật “Bài ca hữu nghị”… Cùng với đó, Đắk Lắk cũng đã kết nối du lịch với các tỉnh Champasak, Attapeu, Sekong và Salavan; tham gia đóng góp ý kiến vào Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam...
Đ.c H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng cho các đội tham gia nội dung thi đấu thể thao giữa Đắk Lắk với các tỉnh Nam Lào và tỉnh Mondulkiri (Hữu Hùng)
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đến nay, Đắk Lắk đã tiếp nhận 59 lưu học sinh Lào đang theo học. Năm 2021, tỉnh đã cử 2 học viên sang học tiếng Lào tại Champasak (cơ sở dạy tiếng Lào), do tỉnh hội Sekong cấp học bổng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ giữa Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Attapeu và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y,... Năm 2021, Đắk Lắk tiếp nhận 10 cán bộ của tỉnh Attapeu đến học tập kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn...
Ngoài ra, trong hợp tác đối ngoại nhân dân, các tổ chức chính trị, đoàn thể của tỉnh đã chủ động tham gia các hoạt động như: Diễn đàn Thanh niên Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; Lễ kết nghĩa giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk với Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sekong;…
Tiếp tục vun đắp, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị
Ông Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, những thành tựu đạt được thời gian qua đã đánh dấu quá trình hợp tác mạnh mẽ, toàn diện giữa Đắk Lắk với các tỉnh Nam Lào nói riêng và giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung. Để tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, trong đó đặc biệt phối hợp thực hiện có hiệu quả nội dung Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào.
Hai là, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Nam Lào nhân dịp kỷ niệm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày lễ, Tết truyền thống của hai nước nhằm tăng cường tình hữu nghị đoàn kết giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Nam Lào.
Ba là, triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, kết nối tour với các doanh nghiệp du lịch tại các tỉnh biên giới Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; tổ chức xúc tiến quảng bá, giới thiệu rộng rãi về tiềm năng phát triển du lịch, điểm đến tham quan hấp dẫn của tỉnh Đắk Lắk và của các tỉnh nước bạn Lào; tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch trong khu vực.
Tết Bunpimay cộng đồng người Việt gốc Lào tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.Ảnh-Hữu Hùng
Bốn là, cụ thể hóa các nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh Nam Lào; Thỏa thuận phối hợp công tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk và Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Sekong (giai đoạn 2018 - 2023) để Tỉnh hội các bên tổ chức thực hiện hiệu quả.
Năm là, tiếp tục cung cấp học bổng cho giai đoạn hợp tác mới; quan tâm, hỗ trợ các học sinh, sinh viên Lào đang học tập tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên và Trường Đại học Tây Nguyên hoàn thành tốt khóa học...
Cùng với đó, tỉnh luôn cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ các nhà đầu tư của Lào và Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh tại Đắk Lắk và 4 tỉnh Nam Lào; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hội chợ… nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp hai bên.
“Có thể nói, những năm qua, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã không ngừng phát triển cùng với sự lớn mạnh của hai Đảng, hai dân tộc và tỉnh Đắk Lắk tự hào đã góp phần quan trọng tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt ấy. Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, chúng ta tin tưởng sự hợp tác giữa hai bên sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Việt - Lào, hai nước chúng ta, / Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, ông Phạm Ngọc Nghị khẳng định.
Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI