ĐẮK LẮK

Quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI

09:02:44 | 15/3/2023

Năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Lắk tăng 0,98 điểm, tăng 1 bậc về thứ hạng, xếp thứ 34 cả nước. Mặc dù đã rất sát nhóm tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế khá nhưng Đắk Lắk vẫn chưa thoát nhóm có chất lượng điều hành kinh tế trung bình. Vì thế, tỉnh đặt quyết tâm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa Chỉ số PCI trong những năm tới. 

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho tỉnh kế hoạch nâng cao Chỉ số PCI năm 2022 - 2023. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các kế hoạch của tỉnh về triển khai các nghị quyết của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm; các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực,… Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) để tạo môi trường thông thoáng, dễ dàng thực hiện các dịch vụ công của tỉnh; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC, trong đó tập trung tăng tỷ lệ mức độ hài lòng về giải quyết TTHC đăng ký doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, phòng cháy chữa cháy,... Đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh hướng tới Chính quyền số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cung cấp dịch vụ công. 

Đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức và hành động của công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị về thực hiện chủ trương Chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với phương châm: “Chuyên nghiệp - thân thiện - hỗ trợ nhiệt tình - đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư”; có biện pháp xử lý đối với các trường hợp gây nhũng nhiễu, tiêu cực. 

Tỉnh cũng tăng cường tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Thường xuyên đổi mới, tăng độ mở của các trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương của tỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai thác và tiếp cận thông tin theo quy định. 

Ngoài ra, thường xuyên rà soát, phát hiện những bất cập trong quy định pháp luật, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

Hoàng Ngọc (Vietnam Business Forum)