Xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá chiến lược, những năm gần đây Bắc Ninh luôn đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Bắc Ninh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành cả nước với 69,08 điểm, trong đó có nhiều chỉ số tăng điểm so với năm 2021. Đây là kết quả xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư.
Nhiều kết quả tích cực
Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2022, Bắc Ninh có 6 chỉ số tăng điểm (so với năm 2021) là: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý; trong đó, chỉ số Đào tạo lao động có mức tăng điểm lớn nhất (0,83 điểm); chỉ số Gia nhập thị trường có mức tăng điểm lớn thứ 2 (0,6 điểm),… Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, Bắc Ninh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành cả nước về PCI.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhận biểu trưng Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022.
Để đạt được kết quả trên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Đây là thành quả của sự nỗ lực trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh với nhiều chính sách và giải pháp cụ thể, linh hoạt.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh cải cách quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); rút ngắn thời hạn giải quyết TTHC, đặc biệt là các TTHC liên quan đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời kiện toàn hệ thống một cửa các cấp và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC,...
Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai trực tuyến tới tất cả sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn để quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh trong việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cải cách hành chính, chuyển đổi số, tập trung khắc phục 8 điểm nghẽn mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Ngoài ra, nhằm nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo sở, ngành, địa phương trong điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Sau nhiều năm liên tiếp, DDCI tiếp tục có những điều chỉnh nhằm khắc phục hạn chế, đồng thời bám sát các mục tiêu đặt ra như: Điều chỉnh chỉ số thành phần, đánh giá xếp hạng; đơn vị được đánh giá,…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung các giải pháp để khắc phục, nâng điểm những chỉ số còn thấp điểm trong PCI như: Tiếp cận đất đai, Tính năng động, Chi phí không chính thức,... Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không phải làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn về thành lập doanh nghiệp mà 100% được thành lập qua môi trường số (online).
Đặc biệt, thông qua việc phát huy hiệu quả Tổ phản ứng nhanh 3 nhất hỗ trợ doanh nghiệp (kế thừa từ tổ phản ứng nhanh trong phòng chống dịch COVID-19) do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn làm tổ trưởng đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất để có giải pháp giải quyết kịp thời.
Không chỉ vậy, là chỉ số lần đầu tiên được khảo sát, công bố, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bắc Ninh nằm trong Top 3 của bảng xếp hạng với 17.21 điểm. Trong đó, tỉnh đạt điểm số cao nhất trong Chỉ số thành phần 1: "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu". Bắc Ninh cũng là địa phương được chọn thí điểm triển khai PGI lồng ghép khảo sát PCI. Đây là thành quả của những nỗ lực mạnh mẽ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp trên địa bàn thời gian qua.
Nhờ những nỗ lực phát triển kinh tế xanh, bền vững, Bắc Ninh nằm trong Top 3 bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) với 17.21 điểm
Phó Chủ tịch thường trực Vương Quốc Tuấn khẳng định: Kết quả này đã phản ánh sự quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong các vấn đề môi trường bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, điều kiện để phát triển bền vững những năm tiếp theo. Tại các "điểm đen" như làng giấy Phong Khê (TP.Bắc Ninh), Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du), làng nghề nhôm Mẫn Xá (huyện Yên Phong),... vấn đề môi trường luôn được quan tâm sát sao và xử lý hiệu quả.
Tạo đòn bẩy thu hút đầu tư
Những nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tạo đòn bẩy thu hút đầu tư. Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công ghiệp theo hướng hiện đại, là điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI.
Lũy kế đến nay, tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.842 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng đạt hơn 23,56 tỷ USD và 1.545 dự án đầu tư cho nhà đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn hơn 252.826 tỷ đồng. Trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn như: Samsung mà các tập đoàn lớn trên thế giới như Canon (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan), ABB,…
Với mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới, tỉnh xác định thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực then chốt, lan toả thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn tới, thu hút đầu tư phải gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”: Sử dụng ít đất, ít lao động; hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.
Tỉnh tập trung thu hút đầu tư xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ trợ; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp; các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, sinh thái… trong đó ưu tiên các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; Chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng. Trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN VSIP2, Yên Phong 2A; Yên Phong 2C, Thuận Thành I, Gia Bình, Gia Bình II và các Cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư, công khai TTHC, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công, giảm tối đa “Chi phí không chính thức”, “Tiếp cận đất đai” bình đẳng, tạo môi trường thông thoáng hấp dẫn các nhà đầu tư. Đây chính là lợi thế so sánh “động”, khơi nguồn lực phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
“Thông qua đó góp phần thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và Đông Nam Á, hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái trong khi vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc”, Phó Chủ tịch thường trực Vương Quốc Tuấn khẳng định.
Phương Linh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI