Xác định chất lượng nguồn lao động là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm tạo việc làm cho 19.400 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 72%.
Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, các ngành, nghề đào tạo bám sát nhu cầu thị trường lao động
Nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 27 cơ sở GDNN đang hoạt động, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục, thực hiện đào tạo 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên). Quy mô tuyển sinh theo thiết kế/năm: 21.672 học sinh, sinh viên, học viên.
Đặc biệt, tỉnh có 4 trường Trung ương đóng trên địa bàn được đánh giá đạt chất lượng đào tạo tốt trong cả nước (trong đó có 02 trường được ưu tiên đầu tư phát triển trường chất lượng cao); có 7 trường được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm các cấp độ (quốc gia, quốc tế, ASEAN). Chỉ số thành phần Đào tạo lao động trong Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong Top 10 của cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 65% năm 2020 tăng lên 68% năm 2022.
Nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, các cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng lao động. Đến nay các trường đã liên kết với khoảng hơn 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bình quân mỗi năm các trường cao đẳng, trung cấp đã ký kết đưa trên 700 học sinh, sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, các ngành, nghề đào tạo bám sát nhu cầu thị trường lao động nên học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt từ 70 - 80%. Trung bình khoảng trên 70% sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề thuộc nhóm nghề cơ khí, nhóm nghề điện - điện tử, nhóm nghề du lịch, dịch vụ, may công nghiệp,…
Gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn
Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết: Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đặt ra mục tiêu xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là 1 trong 3 khâu đột phá.
Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư,... Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt theo định hướng thu hút đầu tư của địa phương.
Bám sát định hướng này, tỉnh đẩy mạnh phát triển hệ thống GDNN, tập trung thu hút mọi nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành kinh tế mũi nhọn có thế mạnh, các nhóm ngành nghề đang phát triển, có nhu cầu nhân lực lớn, phục vụ cho sự phát triển công nghiệp như: Công nghiệp phụ trợ, sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, nhóm ngành nghề khách sạn, du lịch, dịch vụ cá nhân,…
Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng; thúc đẩy phát triển các cơ sở có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả. Tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với tiếp nhận, sử dụng lao động hiệu quả.
Đối với công tác lao động - việc làm, nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường lao động; tăng cường giám sát và điều tiết quan hệ cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ giải quyết việc làm, để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm tạo việc làm cho 19.400 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 72%. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI