HÀ NỘI

Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ: Gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc

13:59:04 | 28/6/2023

Làng nghề dát vàng, bạc Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng nghề duy nhất trên cả nước làm nghề dát vàng. Nhiều nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ đã cho ra đời các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây cũng là làng nghề được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2021, với những tác phẩm "có một không hai".

Tinh hoa làng nghề 'độc nhất vô nhị' 

Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây trên 400 năm, dưới thời Hậu Lê. Từ đó, người dân nơi đây với bản tính cần cù, với tay nghề khéo léo đã mang nghề đi khắp nơi. Để có những miếng vàng bạc quỳ, người thợ quỳ vàng Kiêu Kỵ phải tuân thủ đủ 8 khâu chính và hàng chục khâu phụ. Từ những miếng vàng, bạc thật, người thợ đập (gọi là đập diệp) cho dài và mỏng rồi cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm làm từ giấy dó, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế (làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc). Mỗi tập quỳ 500 lá, trên mỗi lá có một mảnh vàng nhỏ, dùng vải diềm bâu gói lại, đặt lên đe đá, dùng loại búa chuyên dụng đập hàng trăm nhát, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh thì vàng cũng đã bay tung! Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảnh tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.

Theo ông Lê Bá Chung, Chủ tịch HĐQT HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ cho biết: Một thợ giỏi trong làng có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2. Bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác của nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ là công đoạn làm lá để đặt vào các miếng quỳ đủ độ dai, đàn hồi, không bị dính. Chính vì vậy, nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế.

Một sản phẩm được làm ra không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của nghệ nhân trong từng sản phẩm. Vậy nên, nghề làm vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao của không chỉ bạn hàng trong nước, mà của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Trăn trở giữ nghề

Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung hiện có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là Bình Hút Lộc và tượng vàng phong thủy Thiềm Thừ chia sẻ : Để tạo nên những sản phẩm hoàn thiện như thế này trước đây cần qua 40-50 công đoạn, bây giờ cải tiến còn 20 công đoạn. Công đoạn cắt dòng, trại quỳ phải làm hoàn toàn trong phòng kín gió, không được bật quạt vì vàng sau khi quỳ rất mỏng, chỉ cần gió nhẹ cũng có thể thổi bay, may mắn là hiện tại đã có điều hòa. Riêng thợ đập quỳ thì không được làm trong phòng điều hòa. Đó phải là những trai tráng khỏe mạnh, dày kinh nghiệm để đập quỳ liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ với sự tập trung cao độ, nếu không quỳ sẽ không đều, nát hoặc có thể sẽ đập vào tay. Sau cùng là công đoạn làm sơn cũng phải qua mười mấy nước sơn mới hoàn thiện”.

Gắn bó với nghề quỳ vàng, bạc từ khi mới lên 10 tuổi, giờ đây tóc đã chuyển màu hoa râm, bà Phạm Thị Ngọ, một trong những nghệ nhân của HTX Kiêu Kỵ vẫn thoăn thoắt tay quỳ những miếng vàng mỏng tang, vừa chậm rãi giảng giải: “Ông cha đã có công xây dựng danh tiếng của làng nghề, vì vậy đến thế hệ con cháu kế cận như chúng tôi tham gia và cống hiến cho sự phát triển của HTX cũng là một cách thể hiện thái độ trân trọng với truyền thống quý báu của nơi mình sinh ra và lớn lên”.

Cả làng hiện có hơn 50 hộ làm nghề với từ 300- 400 lao động, thu nhập từ 5-10 triệu/tháng, chưa kể số lao động tỏa đi làm ở các địa phương trên cả nước. Có hộ thuê tới hơn 20 lao động. Tuy nhiên theo ông Chung khâu tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước, tập trung nhiều ở Sơn Đồng – Hoài Đức, Đồng Kỵ – Bắc Ninh, Cát Đằng – Nam Định… một số làm quà tặng cho khách nước ngoài. Hơn nữa, đặc trưng của sản phẩm này là tiêu thụ chậm, vốn cao, nên chủ yếu dân Kiêu Kỵ nhận làm gia công các công trình, sản phẩm và phụ thuộc vào khách hàng.Khó khăn của HTX đang gặp phải là, do tính chất đặc thù là nghề về tâm linh, nên việc sản xuất phải theo chu kỳ, chủ yếu nhiều đơn đặt hàng khoảng từ tháng 8 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do việc xây dựng các công trình văn hóa lớn cũng ít nên đơn hàng cũng có chút giảm sút vì nghề này chủ yếu chỉ phục vụ nội địa. Ông Chung chia sẻ.

Với lợi thế sở hữu nghề quỳ vàng độc đáo, Kiêu Kỵ còn có 15 di tích là các đình, đền, chùa, miếu ở các thôn - đa số vẫn giữ được giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Hằng năm, xã đều trùng tu, tôn tạo các di tích với nguồn vốn xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng. Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, chính quyền đã kết hợp với các làng nghề khác như làng gốm Bát Tràng, Dương Xá, làng sơn mài Hạ Thái, làng tạc tượng Vũ Lăng...  ... tạo tuyến tham quan làng nghề cho du khách. Đây là hướng đi mới vừa làm tăng giá trị sản phẩm của các làng nghề, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Mỗi ngành nghề, làng nghề đều có những bí quyết riêng được truyền từ đời này qua đời khác. Đặc biệt tại Kiêu Kỵ, các thế hệ kế cận muốn được truyền nghề đều phải làm lễ khấn Tổ nghề và lập lời thề "không ai được truyền ra ngoài". Đó chính là nét độc đáo giúp làng nghề Kiêu Kỵ bảo tồn, duy trì được tinh hoa nghề quỳ vàng có một không hai tại Việt Nam cho đến ngày nay.

Theo Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng, Chi Cục phát triển nông thôn Hà Nội: UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Đáng chú ý, nét mới trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đó là thành phố sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đang khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, hội tụ những tinh hoa truyền thống và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề. Đó chính là cơ hội tạo sự bứt phá cho các làng nghề có hướng đi phát triển mang tính chất bền vững.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)

Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội