Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tính đến nay, huyện Gia Lâm đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận. Về tiêu chuẩn, đã đảm bảo đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập quận và 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vùng đất cửa ngõ phía Đông Thủ đô đã sẵn sàng lên quận, trở thành đô thị hiện đại theo hướng công nghiệp gắn với đô thị và dịch vụ.
Kinh tế phát triển, hạ tầng đồng bộ
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, trên trục giao thông đầu mối của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Gia Lâm là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo, đạt những kết quả toàn diện.
Việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án đô thị đã góp phần giúp Gia Lâm hoàn thiện các tiêu chí trở thành quận. Ảnh: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm
Cụ thể, kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 11,80%, bằng 122,66% mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Huyện đã hoàn thành, phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Đề án phát triển du lịch Gia Lâm giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045. Công tác tài chính ngân sách được tập trung chỉ đạo. Tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 2.505,8 tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán giao, bằng 149,3% cùng kỳ năm trước.
Văn hóa - xã hội tiếp tục duy trì và phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường quan trọng, liên kết vùng, như: Đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng; đường Lý Thánh Tông dài 2,8km; đường gom từ Cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thụy; đường song hành với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng;… Cùng với đó là những khu đô thị có hạ tầng đồng bộ, thu hút hàng vạn cư dân đến sinh sống như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Trâu Quỳ,...
Đến nay, HĐND Thành phố đã có Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm, UBND Thành phố đã trình Bộ Xây dựng báo cáo đánh giá và hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Bộ chuyên ngành. Theo bản đồ quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, huyện có gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư, trong đó, có nhiều công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận.
Dự kiến sẽ có tất cả 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống. Giai đoạn 2020 - 2050, sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) - Yên Viên - Như Quỳnh và số 8 Sơn Động (Hoài Đức) - Mai Dịch - Dương Xá đi qua. Ngoài ra, còn có nhiều tuyến đường sẽ mở như: Vành đai 3.5, loạt tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng, đường gom Quốc lộ 3 trị giá 135 tỷ đồng, đường 179 dọc đê Phù Đổng gần 180 tỷ đồng,… Hai tuyến metro kết hợp với các tuyến đường trọng điểm cũng sẽ giúp việc lưu thông giữa Gia Lâm với nội đô và các địa phương lân cận trở nên thuận tiện hơn.
Kết cấu hạ tầng huyện Gia Lâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Một đoạn phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ
Đến nay, huyện đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận. Về tiêu chuẩn, đã đảm bảo đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập quận và 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian tới, huyện tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, sớm được công nhận là đơn vị cấp quận.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư
Theo nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Gia Lâm đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lâm sẽ là khu vực phát triển mới; cửa ngõ phía Đông Bắc của Hà Nội. Quận là trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp; có các trung tâm đào tạo dịch vụ y tế cấp vùng; trung tâm thương mại tài chính; hành lang xanh dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống.
Huyện Gia Lâm luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đồng hành phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Huyền dự Đại hội Hội Doanh nghiệp huyện Gia Lâm lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022 - 2027
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ chủ trương đầu tư các dự án sử dụng đất theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ngành đề xuất với Thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách như: Cảng cạn Cổ Bi (kết nối đường thủy nội địa qua sông Đuống), Cảng thủy nội địa container Phù Đổng; Chợ đầu mối nông sản - Yên Thường; các trung tâm thương mại, siêu thị, trường học, bệnh viện theo quy hoạch được duyệt.
Những năm tới, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: Dịch vụ kho vận (logistics), chợ đầu mối, cảng cạn... ;chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng. Trong đó, tập trung khai thác hiệu quả các cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, địa phương cũng xác định mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập, nhất là du lịch văn hóa theo hướng sinh thái.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện sẽ quan tâm cải cách hành chính, thường xuyên cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Hiện 100% hồ sơ thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã được giải quyết đúng và trước hạn; tỷ lệ hồ sơ hành chính thực hiện dịch vụ công toàn trình được nâng cao, phương thức trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích được đẩy mạnh. Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, huyện đứng thứ 11/30 quận, huyện, tăng 3 bậc; Chỉ số SIPAS đứng thứ 2/30 quận huyện, tăng 7 bậc so với năm trước.
Trong hoạt động chuyển đổi số, Gia Lâm đã thực hiện số hóa toàn bộ kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đối với 100% các hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận Một cửa huyện. Toàn huyện không có hồ sơ giải quyết quá hạn. Triển khai đồng bộ việc sử dụng chữ ký số trong thực hiện nhiệm vụ tới 100% các phòng, ban đơn vị và UBND các xã, thị trấn,...
Bên cạnh đó, địa phương cũng quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm hướng tới đón nhận danh hiệu Huyện Nông thôn mới nâng cao, chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2026 - 2030 và kỷ niệm các ngày lễ lớn trên địa bàn. Tăng cường quản lý và giải quyết tốt hơn các vấn đề về quản lý đô thị, trật tự xây dựng.
Những nỗ lực này không chỉ cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp mà còn góp phần hoàn thành mục tiêu trở thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô theo đúng kế hoạch đề ra. Huyện phấn đấu được phê duyệt đề án thành lập quận vào quý 4/2024 hoặc quý 1/2025.
Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI