Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Tăng kênh dẫn vốn, khơi thông dòng tiền

09:36:57 | 1/12/2021

Ngoài tiếp cận tín dụng tại hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp có thể tăng cường kênh dẫn vốn từ thị trường tài chính như chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp để khơi thông dòng tiền.

Doanh nghiệp “mắc cạn” dòng tiền

Nền kinh tế đang dần dần mở cửa trước nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, áp lực lạm phát lớn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tiếp cận tín dụng khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp “mắc cạn” vì không có dòng tiền. Song nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quá ám ảnh về lạm phát, mà nên tập trung vào câu chuyện tăng trưởng kinh tế để tăng tốc phục hồi trở lại.

Áp lực lạm phát lớn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tiếp cận tín dụng khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp “mắc cạn” vì không có dòng tiền (ảnh minh hoạ)

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lạm phát tác động bởi hai yếu tố, một là sức mua của đồng tiền, biểu hiện bằng giá cả trong nước, hai là biểu hiện ở tỷ giá hối đoái.

Về chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua là tương đối tốt, tỷ giá ổn định, sức mua đối ngoại cũng là biểu hiện một tác nhân rất quan trọng tác động đến lạm phát. Trong bối cảnh lạm phát trong nước tăng không tương xứng với lạm phát của thế giới, với những lý do liên quan đến cung cầu yếu, cung tiền tăng chậm, nền kinh tế suy giảm và giá nguyên vật liệu tăng nóng, thì điều đó đã tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát khả quan.

Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, một trong những tác nhân mạnh nhất đối với mặt hàng giá cả thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam đó là giá xăng dầu. Người ta dự báo giá xăng dầu có thể lên đến 100 USD/thùng, nhưng nó đã lên đến 86 USD và hiện đang có xu hướng giảm. “Thực ra, gía xăng dầu thế giới khó có khả năng tăng đến mức 100 USD, vì nền kinh tế mới phục hồi thì nhu cầu tăng lên, nhưng đồng thời gia tăng một cách quá mức sẽ khiến nền kinh tế không có sức chịu đựng. Đến khi quá sức, chắc chắn giá sẽ giảm, mà điều này nhóm sản xuất dầu OPEC không mong muốn, cho nên họ sẽ điều chỉnh lượng dầu như thế nào đó để đảm bảo cung ứng và giữ mức lợi nhuận.

Còn ở góc độ một số nguyên liệu tăng cao, đó là do quan hệ cung cầu, khi cầu tăng mà cung không đáp ứng được, trong bối cảnh dịch bệnh, tác động tới sản xuất rất lớn, giãn cách xã hội, hay một trong những vấn đề hết sức quan trọng là do giá vận chuyển logistics cao, khiến giá tăng cao, nhưng điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, chứ không thể trong dài hạn”, vị P.GS phân tích.

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã đẩy nhiều địa phương vào hoàn cảnh giãn cách kéo dài, dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy và tạo ra những khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất, cũng như dòng tiền của các doanh nghiệp. Ngay cả những doanh nghiệp thực hiện ba tại chỗ, hoặc ở những địa phương không bị ảnh hưởng trực tiếp của lệnh giãn cách, thì hoạt động sản xuất cũng đạt được hiệu quả thấp và cầm chừng. Do đó, khi doanh nghiệp tái khởi động cần có một nguồn vốn nhất định để đáp ứng nhu cầu thực hiện 5K, đảm bảo cho hoạt động bình thường mới, thực hiện vệ sinh công nghiệp để khi quay trở lại thì công nhân có thể an tâm trong quá trình làm việc.

Tăng cường kênh dẫn vốn

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, rất nhiều các mối liên kết hiện nay chưa thể trở lại như trước đây, vì thế, dòng tiền sẽ luân chuyển chậm hơn. Tiền ít, nhưng vòng luân chuyển lại chậm, thì khó khăn về vốn lại càng lớn, từ đó làm cho sức hồi phục của các doanh nghiệp không cao như chúng ta mong muốn.

Bên cạnh việc tiếp cận tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp có thể thông qua thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu để tăng cường dẫn vốn (ảnh minh hoạ)

Vì thế nhu cầu tìm kiếm nguồn tiền đã trở nên cấp thiết tới hầu hết các doanh nghiệp. Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, nhiều giải pháp căn cơ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý, ngân hàng thương mại như giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, không nâng nhóm nợ,... đã góp phần giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để sản xuất thì các doanh nghiệp vẫn cần có dòng vốn mới, vậy ngoài tín dụng ngân hàng, còn những kênh dẫn vốn nào phù hợp cũng là vấn đề nóng được quan tâm.

Có lẽ các doanh nghiệp vẫn phải trông chờ vào thị trường tài chính, mà hệ thống ngân hàng là trụ cột chính cho các doanh nghiệp, vì thế họ phải tìm cách đáp ứng điều kiện của các ngân hàng để có thể tiếp cận được vốn vay, trong bối cảnh tài sản đảm bảo, hạn mức tín dụng có giới hạn, mặc dù trước đó nhiều doanh nghiệp đã có tái cấu trúc nhưng chỉ là tạm thời. Về các kênh dẫn vốn khác, các doanh nghiệp có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thông qua việc phát hành cổ phiếu bổ sung và phát hành các trái phiếu doanh nghiệp”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Vị PGS cũng đánh giá, trong hai năm qua, thị trường chứng khoán đã có bước tăng trưởng rất mạnh mẽ và đã đạt được những đỉnh cao mới kể cả về số điểm VN-Index, cũng như khối lượng giao dịch và khả năng thanh khoản. Sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng là kỳ vọng và mong muốn của các nhà đầu tư tin tưởng rằng, nền sản xuất sẽ phục hồi và phát triển nhanh chóng trong giai đoạn tới đây. Đó cũng được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp có thể phát hành các cổ phiếu bổ sung để gia tăng nguồn vốn.

Còn về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ và rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phát hành thành công các trái phiếu. Tuy nhiên lĩnh vực đang chiếm thị phần lớn và có sức tăng nóng là các doanh nghiệp bất động sản và xếp sau đó là khối ngân hàng.

“Đây rõ ràng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đỡ phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, giúp doanh nghiệp tự mình có thể tính toán huy động vốn đồng thời tự mình chịu trách nhiệm trước kết quả sản xuất kinh doanh và trước các nhà đầu tư.

Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn về dịch bệnh còn kéo dài, người dân và doanh nghiệp đều xác định sẽ chung sống với đại dịch, thì rõ ràng việc Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đưa ra những gói hỗ trợ mới cho giai đoạn cuối năm nay và năm 2022 trở thành một vấn đề rất lớn. Hiện Chính phủ vẫn đang tiếp tục có những nghiên cứu để đưa ra các gói hỗ trợ mới, mà ở đó có cả sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo dòng vốn đưa được nhiều nhất vào nền kinh tế”, vị chuyên gia cho biết.

Nguồn: DDDN