00:00:00 | 24/3/2014
Với hệ thống cảng nước sâu đầy tiềm năng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là sở hữu lợi thế to lớn trong phát triển kinh tế. Và thế mạnh phát triển kinh tế cảng biển của tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi Cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu được Chính phủ quy hoạch và phát triển thành cảng tổng hợp quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế, là động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Tận dụng hiệu quả lợi thế cảng
Đến nay hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch và đã thu hút được 52 dự án với tổng vốn đăng ký 134.000 tỷ đồng. hiện trên địa bàn tỉnh đã có 26 bến cảng đưa vào hoạt động với công suất 76,5 triệu tấn/năm; trong đó có các cảng lớn và hiện đại như: CMIT, SP-PSA, SITV, Tân Cảng - Cái Mép..., tập trung chủ yếu tại khu vực Thị Vải- Cái Mép. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng năm 2013 đạt hơn 45 triệu tấn. hiện chủ đầu tư các dự án cảng biển trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục triển khai xây dựng 9 dự án, 15 dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và 2 dự án đang kêu gọi đầu tư.
Có thể thấy hệ thống cảng nước sâu đi vào hoạt động đã góp phần làm cho vị thế cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu được nâng lên đáng kể. Dòng vốn đầu tư phát triển cảng chảy mạnh, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp cũng được tăng tốc đầu tư vào tỉnh để tận dụng lợi thế cảng, đồng thời tạo chân hàng cho các cảng.
Theo ông Hồ Văn Niên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GT&VT và UBND tỉnh, Cục Hàng hải Việt Nam và Sở GT&VT tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nội dung Thông báo chung số 121/TB-LTBRVT-BGTVT ngày 13/5/2013 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ GT&VT về các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác cảng biển trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực, góp phần từng bước tạo sự ổn định trong hoạt động khai thác cảng của các doanh nghiệp.
Về cơ chế hỗ trợ đối với các dự án đầu tư phát triển cảng biển, ông Niên cho biết triển khai thực hiện quy hoạch phát triển Cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu thành cảng tổng hợp quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế, tỉnh đã, đang và sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục đầu tư và đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án. Hiện tại đang đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng dài 21 km chạy dọc theo hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép, dự kiến trong năm 2015 thông xe toàn tuyến. Ngoài ra tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị TW hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư các tuyến giao thông đường bộ khác để kết nối hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các đô thị trong vùng như: đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép...; hướng đến kết nối vào giao thông liên vùng đi Đồng Nai, Tp.HCM và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh dự án nâng cấp, mở rộng QL 51 đã hoàn thiện, việc đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động một phần cũng đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường bộ từ Tp.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhằm khai thác hiệu quả các cảng biển thuộc nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1178/TTg-KTN ngày 06/8/2013, Bộ GT&VT đã có Quyết định số 3304/QĐ-BGTVT ngày 22/10/2013 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, theo đó triển khai các giải pháp thu hút hàng hóa trung chuyển về các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải nhằm tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn (trên 80.000DWT) thực hiện dịch vụ trung chuyển. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với đơn vị tư vấn lập Đề án phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tất cả những nỗ lực trên đều nhằm hướng đến mục tiêu đưa Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên trở thành trung tâm cảng nước sâu của khu vực phía Nam và cả nước.
Phát triển cảng biển kết hợp logistics
Hiện nay, với xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế làm cho giao thương giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới phát triển mạnh mẽ, từ đó kéo theo những nhu cầu mới về vận tải, kho bãi, các dịch vụ phụ trợ… Đối với Bà Rịa -Vũng Tàu, phát triển kinh tế biển, trong đó cảng biển và dịch vụ logistics là mục tiêu quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhận thức được nhu cầu cấp bách phát triển dịch vụ logistics để phục vụ sự phát triển của hệ thống cảng biển, trong giai đoạn đến 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên tập trung phát triển một Trung tâm dịch vụ logistics có quy mô hiện đại, đầu tư đồng bộ, ngay phía sau khu cảng Cái Mép và khu dự trữ Sao Mai - Bến Đình.
Ngoài ra Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2010-2015 cũng đã đề ra mục tiêu phấn đấu phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại vào năm 2015; phát triển kinh tế gắn với yêu cầu phát triển bền vững…Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, song song với công tác phát triển hệ thống cảng biển, UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, có 5 chương trình trọng tâm của Đề án bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics; Quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics; Phát triển tổng thể cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển logistics và Xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ logistics.
Riêng công tác quy hoạch xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ đang được tỉnh xem xét về phương án thực hiện để sớm triển khai xây dựng và kêu gọi đầu tư với mục tiêu chính là xây dựng một trung tâm logistics đẳng cấp của Việt Nam và khu vực, kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một mắt xích trung chuyển trong mạng lưới của hệ thống logistics toàn cầu.
Tùng Anh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI