16:19:30 | 17/9/2014
Nhằm mục tiêu phát triển du lịch Hà Giang phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước, UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2020, du lịch Hà Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung, đồng thời là một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về tiềm năng du lịch. Với vị trí thuận lợi là điểm cực Bắc của Tổ quốc, nơi giao thoa tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc-Tây Bắc, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, Hà Giang có vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch cả nước.
Hà Giang còn là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có của mỗi dân tộc như: Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo. Cùng với đó là những di tích lịch sử, danh thắng đã được xếp hạng Quốc gia tiêu biểu như: Phố cổ Đồng Văn, Khu di tích kiến trúc nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn); chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); Di tích cách mạng Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang); Căng Bắc Mê (Bắc Mê), bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần), ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...
Hà Giang những cảnh quan thiên nhiên đặc thù, với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ như: Mã Pì Lèng (Mèo Vạc), cổng trời, Núi Đôi (Quản Bạ), hoang mạc đá, rừng đá (Đồng Văn)... những cánh rừng nguyên sinh, rừng chè cổ thụ, danh thắng ruộng bậc thang ở các huyện phía Tây. Theo ông Hoàng Văn Kiên GĐ SởVHTT và Du lịch tỉnh Hà Giang, cạnh nguồn tài nguyên du lịch phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, Hà Giang còn nằm ở vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Phía Tây Bắc giáp Trung Quốc - đây là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, đồng thời Hà Giang là điểm kết nối quan trọng của vòng cung du lịch Đông Tây Bắc, tiếp giáp với các tỉnh có tiềm năng du lịch như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Những năm gần đây, kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang cũng có những bước phát triển toàn diện, cơ sở hạ tầng của tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng và hoàn thiện tạo điều kiện cho du lịch Hà Giang có sự chuyển biến rõ rệt, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đặc trưng của địa phương.
Tuy nhiên, du lịch Hà Giang đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, còn nhiều hạn chế và bất cập, nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa có giải pháp thoả đáng. Hoạt động du lịch còn chủ yếu dựa vào tự nhiên, chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thiếu bền vững.
Các cơ chế chính sách cho phát triển du lịch còn nhiều bất cập, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn là sự nghiệp phát triển chung và là trách nhiệm của các ngành, các cấp.
Để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch, những năm qua, ngành du lịch Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là bản phương hướng mới nhất đã được tỉnh phê duyệt, làm cơ sở định hướng cho những bước phát triển tiếp theo của du lịch Hà Giang.
Theo đó, dựa trên những thế mạnh về tài nguyên du lịch, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng như: Du lịch địa chất, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc, du lịch thương mại cửa khẩu biên giới… Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản từ tự nhiên và ẩm thực. Hệ thống hóa và kết nối các tuyến, điểm du lịch trong tỉnh, trong khu vực cũng như quốc tế để tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Dự kiến đến năm 2030, Hà Giang cần đầu tư khoảng 29.437 tỷ đồng cho phát triển du lịch, trong đó đến năm 2020 cần khoảng 11.077 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng kế hoạch đầu tư, phục dựng, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến, quảng bá; bảo vệ môi trường… Cụ thể, đến năm 2020, ngành Du lịch Hà Giang cần đầu tư 24 dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó ưu tiên phát triển khu du lịch Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và điểm du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Để thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang là đơn vị chủ trì thực hiện Quy hoạch cần có trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc thực hiện của các cấp, ngành địa phương và doanh nghiệp đồng thời phối hợp với các Sở, Ban, ngành và Tổng cục Du lịch thực hiện tốt kế hoạch xúc tiến, đầu tư, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thanh Nga