09:45:14 | 28/10/2021
Từ ngày 27/10 đến ngày 2/11, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chủ trì tổ chức chuỗi tập huấn về "Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP". Chương trình có sự tham gia của 63 tỉnh thành phối với hơn 2.000 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã tại thôn, bản.
Nhằm tăng cường hiệu quả của việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh bình thường mới; trên cơ sở đón nhận yêu cầu của các chủ thể OCOP, VP Điều phối NTM TƯ chủ trì phối hợp với tổ công tác 1034 của Bộ Thông tin truyền thông và các đơn vị liên quan để tổ chức lớp tập huấn về "Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP".
Lớp tập huấn với mục đích sẽ hỗ trợ những kỹ năng và cách làm cụ thể với 9 chuyên đề tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Cụ thể là hướng dẫn kỹ năng về thiết kế, sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP; Hướng dẫn về quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong môi trường số; Đẩy mạnh và bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại buổi tập huấn
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương nhận định: "Chủ đề xuyên suốt của đợt tập huấn lần này chính là chuyển đổi số. Cùng với sự hỗ trợ của tổ công tác 1034 cũng như các chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số thì chúng ta sẽ tập trung chia sẻ lắng nghe trao đổi trọng tâm chuyển đối số trong chương trình OCOP từ vấn đề thiết kế, quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm".
"Ở đây, chúng tôi sẽ đi từ vấn đề hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp từ vấn đề kiến thức tổng quan về chuyển đổi số rồi đến vấn đề về kỹ năng, năng lực về chuyển đổi số. Từ ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá mẫu mã, bao bì, thiết kế, giới hạn… trên cơ sở đó chúng ta sẽ cung cấp và số hóa các dữ liệu và nâng cao kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử. Cùng song hành trong chuỗi tập huấn này thì tổ công tác 1034 đã hỗ trợ chúng tôi để có kết nối với 3 sản thương mại điện tử sẽ tham gia trực tiếp trong lớp tập huấn từ sản voso.vn, postmart.vn, lazada.com", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định, chúng ta đã và đang có lợi thế về việc phát triển số lượng cũng như quy mô sản phẩm rất nhanh. Nếu chúng ta không hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ thì chúng ta cũng sẽ tiếp tục mù mờ về thông tin. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ không nắm được hết tất cả các quy trình sản xuất, công suất, năng lực của từng chủ thể. Các chủ thể cũng không hiểu được các sàn giao dịch cần gì, người tiêu dùng cần gì? Thì chúng ta sẽ bị đứt gãy về mặt thông tin.
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương mong muốn 2.857 chủ thể OCOP cùng đồng lòng, chung sức để gắn kết trên một nền tảng chuyển đổi số thống nhất với sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng mong muốn cùng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định là mỗi chủ thể sẽ là một thương nhân. Chúng ta gắn kết với nhau bằng những thông tin minh bạch, an toàn.
Đánh giá cao sức mạnh của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, ông Tony Harman, Tham tán nông nghiệp Sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, việc đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử là cơ sở quan trọng để mở rộng các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân.
Bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh (Tổ trưởng tổ 1034, Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết: Bộ Thông tin truyền thông đang phối hợp với 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Viettel triển khai nhiều hoạt động tích cực như tư vấn, triển khai, hướng dẫn các chủ thể bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sau hơn 3 tháng thực hiện kế hoạch 1034 cả hai sàn thương mại đã đưa hơn 3.000 sản phẩm OCOP lên môi trường số và tiêu thụ hơn 21.000 nghìn đơn hàng mỗi tháng.“Hướng tới mục tiêu trong 2021 sẽ đưa các chủ thể OCOP tham gia vào nền tảng sàn thương mại điện tử Bộ thông tin truyền thông cam kết sẽ đồng hành cùng bà con nông dân, các hợp tác xã và các doanh nghiệp trong việc mở rộng các kênh bán hàng trên các nền tảng số, giúp cho các sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và góp phần gia tăng thu nhập cho người bán, ổn định đầu ra cho sản phẩm”, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh nói.
Ngày 27/10, lớp tập huấn về "Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP" tập trung nhấn mạnh vào 3 chuyên đề chính đó là: - Chuyên đề 1: Hướng dẫn thiết kế sáng tạo trong xây dựng hệ thống nhận diện, phương tiện quảng bá sản phẩm. Giảng viên là bà Từ Phương Thảo - Chuyên gia Thiết kế sáng tạo (Giám khảo Vietnam Design Week); Ông Nguyễn Hoàng Giang - Art Director báo Văn nghệ mới - Chuyên đề 2: Hướng dẫn thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP trong bối cảnh chuyển đổi số. Giảng viên là ông Lê Bá Ngọc, Phó phòng OCOP, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công Mỹ nghệ Việt Nam. - Chuyên đề 3: Tập huấn Phần mềm "Hướng dẫn chủ thể nộp hồ sơ tiềm năng 5 sao" |
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)