10:36:35 | 23/12/2021
Trao đổi tại một buổi Toạ đàm về chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, TS. Ngô Trung Hưng, Giám đốc Marketing công ty Đại Việt Hương đánh giá, nhìn trên bình diện quốc tế mà cụ thể là từ Mỹ, Chính phủ hay Quốc hội nước này đã bị ảnh hưởng lý thuyết tiền tệ hiện đại bởi một số người, từ trước thời kỳ Tổng thống Biden nhậm chức. Do đó, họ muốn thử nghiệm chương trình kích thích nền kinh tế và cho rằng, Chính phủ in tiền là vô hạn, đòn cân thu nhập do thuế và chi tiêu Chính phủ chỉ là thứ yếu. Cho nên, thuế trở thành công cụ đánh cho công bằng xã hội, đánh vào các điểm nóng của nền kinh tế, chứ không phải đánh thuế để kiếm tiền chi tiêu cho Chính phủ. Cuối cùng họ muốn biết, ở một khả năng bơm tiền lớn nhất có thể là lúc nào và khi đó nước Mỹ sẽ dừng lại...
Nhiều câu hỏi đặt ra là có nên thận trọng với việc bơm tiền của Chính phủ (ảnh minh hoạ)
Vì thế, Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức thực hiện chính sách tài khóa bằng việc bơm tiền mạnh mẽ, còn về chính sách tiền tệ, từ nhiều năm trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã biết, cầu tiền của Mỹ còn rất lớn trên thế giới, nhất là sự cạnh tranh của các Ngân hàng Trung ương trong việc dự trữ ngoại tệ dưới dạng USD. Điều này khiến cho thị phần của các đồng tiền khác bị thu hẹp trong rổ dự trữ tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương.
Trong suốt thời gian vừa qua, Mỹ đã liên tục nới lỏng định lượng, dẫn đến việc chính phủ Mỹ lỡ bước trong việc chi tiêu chính phủ, do nhiều người bị ảnh hưởng tư tưởng in tiền là vô hạn. Và về câu chuyện lạm phát, nếu nội hàm ở Mỹ thôi thì không sao, vì lạm phát là một trong những hình thức “bần cùng hóa” người lao động trong ngắn hạn và sẽ chỉ là giảm lương trên diện rộng.
“Tuy nhiên, về mặt quốc tế, những nền kinh tế sản xuất sẽ “chết” bởi vì người ta phải thích ứng về mặt hối đoái, dẫn đến tình trạng các quốc gia sẽ bơm tiền ào ạt, 10-20% GDP, nới lỏng định lượng để tỷ giá hối đoái thăng bằng, điều đó có thể hủy diệt tất cả các doanh nghiệp. Vì các nền kinh tế sản xuất lúc này sẽ rơi vào tình trạng tăng giá chi phí đẩy.
Hiện nay, nước Mỹ muốn kiểm soát lạm phát, nhưng hàng hóa nhập vào tăng giá không nhiều, còn nếu quốc gia nào nới lỏng định lượng và sử dụng chính sách tài khóa mạnh mẽ như nước Mỹ, thì tương lai Chính phủ sẽ phá sản. Khi đó, gần như tất cả các doanh nghiệp đều chết, vì dân không có tiền để mua hàng, mà thu nhập không tăng do lương không tăng, mà lạm phát có thể lên đến 25%”, ông Hưng nói.
Do đó, theo ông Hưng, Việt Nam chỉ cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhẹ nhàng là đã giúp nền kinh tế ổn định. Khi mọi chuyện đang “sóng yên gió lặng”, mà lại đổ ra 10% GDP liệu có giải quyết được vấn đề, trong khi nguy cơ lạm phát rồi chi phí tăng cao, mà chính sách tài khóa chính là nguyên mẫu của lạm phát, còn chính sách tiền tệ lại kém hiệu quả, do hệ thống tín dụng yếu, không biết cho ai vay và cũng không có giải pháp cho vay mới, vay cũ đối với doanh nghiệp.
Trái với quan điểm trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm làm gì cũng phải đánh đổi, bởi vì nền kinh tế đang suy yếu rõ ràng. Vì vậy, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi, gượng dậy sau hai năm chống chọi với đại dịch mới là quan trọng.
“Nếu đánh giá khía cạnh bơm tiền ra là không có tác dụng gì, thì doanh nghiệp không có nguồn lực để khôi phục, trong khi doanh nghiệp cần có không gian vận hành tốt hơn. Và hiện nay không thể bàn những giải pháp chung chung, mà phải đi vào các giải pháp cụ thể thì mới có ý nghĩa”, vị PGS nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, có một câu hỏi mang tính thách thức rằng: Chính phủ có dám kích cầu hay không? Vị chuyên gia khẳng định, Chính phủ cần phải kích cầu. Vì nếu không có cầu, nền kinh tế sẽ đi vào tình trạng trì trệ sản xuất, hàng hóa làm ra không có ai mua, mà trong thời gian này, gần như tất cả các quốc gia đều áp dụng các biện pháp để kích cầu.
Điểm mấu chốt mà từ kinh nghiệm thế giới, hay ngay cả Mỹ và Việt Nam đã rút kinh nghiệm trong hai năm vừa qua đó là, phải cẩn thận trong vấn đề kích cầu, bơm tiền ra cho người dân tiêu dùng. Như tại Mỹ, có ba cấu phần tăng mạnh nhất thời gian qua là giá thực phẩm, giá xăng dầu và giá nhà ở. Mỗi cấu phần này trong 11 tháng qua tăng đâu đó từ 8-10% đã đẩy chỉ số tiêu dùng CPI của Mỹ tăng 6,8%, trong khi lạm phát mục tiêu của họ chỉ 2%. Vậy sự mất cân đối hiện tại trong nền kinh tế Mỹ là vấn đề cầu và cung, cầu thì lên do nhiều nguời có tiền đi ăn uống, mua sắm. Các siêu thị, chợ búa, nhà hàng dịch vụ tấp nập người, nhưng hàng hóa lại thiếu do nguồn cung bị đứt gãy, tạo ra thiếu hụt hàng hóa.
“Vì thế, tại Việt Nam, bên cạnh câu chuyện kích cầu, thì phải làm sao phải kích cả cung, đó là vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, theo Tổng cục Thống kê, mỗi tháng gần 10.000 doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, đây là một hiện tượng nghiêm trọng. Nếu không cứu các doanh nghiệp, không có các gói để hỗ trợ về mặt thuế, tài chính, tiền tệ, chính sách,... thì khi chúng ta kích cầu, nhưng sẽ lặp lại trường hợp mất cân đối giữa cung - cầu và đến lúc nào đó, Việt Nam cũng sẽ học được bài học lạm phát gia tăng một cách mạnh mẽ trong khi nguồn cung không có”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Nguồn: DDDN
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI