Cụ thể hóa, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời

09:03:05 | 12/1/2022

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời ngay trong thời gian sắp tới.

Chiều 11/1, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo khẳng định, sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 4 nghị quyết với sự thống nhất cao.

Về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ nhất

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được ban hành đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Quốc hội đã quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, phương án huy động nguồn lực, việc áp dụng một số cơ chế đặc thù và giao các nhiệm vụ cho Chính phủ.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL. Nghị quyết gồm 10 Điều, quy định thí điểm 8 chính sách đặc thù đối với TP. Cần Thơ.

Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được ban hành đã khẳng định các kết quả đạt được của kỳ họp, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng trang thiết bị y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm

Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên về các vấn đề nổi cộm hiện nay. Trả lời về việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong vụ Công ty Việt Á, ông Bùi Văn Cường cho biết, qua thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan có liên quan, nên trong dự thảo Nghị quyết chung của kỳ họp được Quốc hội thông qua và phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định rõ quan điểm của Quốc hội trong việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai một số nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó có nêu rõ nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đặc biệt trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế để tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công, thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Tập trung khẩn trương quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm nếu có liên quan đến Công ty Việt Á vì vụ việc này đang trong quá trình điều tra.

“Một nguyên tắc rõ là xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào. Đó là quan điểm chung trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta. Đây là vấn đề đã được nêu rất cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội. Vụ việc đang trong quá trình điều tra thì không được phép cung cấp các thông tin khác, ngoài các nội dung đã được công bố. Do đó phải đợi cơ quan điều tra. Sau khi cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng và khi tòa án tổ chức xét xử thì chúng ta mới có kết quả cuối cùng. Hiến pháp hiến định một người không bị coi là có tội khi không có bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó chúng ta phải đợi kết quả điều tra và quá trình thực hiện tố tụng. Cuối cùng là kết luận của tòa án”, ông Bùi Văn Cường cho hay.

Nguồn: baochinhphu.vn