09:56:56 | 18/2/2022
Sau tám năm nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, đến nay thứ hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, từ năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, việc cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta có xu hướng chững lại, một số tiêu chí chưa bền vững, thậm chí bị giảm thứ hạng.
Thực tiễn đòi hỏi những cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ để dỡ bỏ các rào cản, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bước sang quá trình phục hồi và phát triển.
Sản xuất và lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh: LÂM THANH)
Không để cải cách chững lại
Đã thành thông lệ, ngay đầu năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19 các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02 các năm 2019-2022) với các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ rào cản, vướng mắc, giúp khơi thông nguồn lực trong xã hội để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ vậy, Việt Nam luôn được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới. Do đó, trong nhiều năm liên tiếp, các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn có bước cải thiện rõ rệt, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đánh giá quốc tế ghi nhận. Trong đó, các tiêu chí như: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế Thế giới-WEF) xếp thứ 67/141 năm 2019, tăng 10 bậc so với năm 2018 (năm 2020, 2021 không đánh giá do dịch Covid-19); Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới-WIPO) xếp thứ hạng tốt trong năm 2021 ở vị trí 44/132; Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc-UN) xếp thứ 86 năm 2020, tăng 2 bậc so năm 2018 (2 năm công bố 1 lần); Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc) giữ vị trí 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016,...
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đang có dấu hiệu chậm lại bởi những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 khi cả nước phải chia sẻ nguồn lực, thời gian, công sức cho phòng, chống dịch. Do đó, khi nền kinh tế bị suy giảm, các quyết sách cần phải được ban hành nhanh và kịp thời, tiếp tục đẩy nhanh cải cách thể chế cả ở mức độ và tốc độ. Hiện tại, chúng ta bị áp lực rất lớn về dư địa thời gian, nếu không tăng tốc độ và mức độ cải cách, Việt Nam sẽ bị chậm lại và lạc nhịp so với khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dư địa cải cách trong thời gian tới của Việt Nam vẫn còn nhiều nếu chúng ta có thêm cách làm. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2021, gánh nặng chi phí không chính thức nhìn chung giảm dần, một số địa phương đã giải quyết tốt vấn đề này để có được cải cách mạnh mẽ như Quảng Ninh, Đồng Tháp,... Vì vậy, trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để giải quyết vẫn là yếu tố then chốt trong việc quyết tâm không để quá trình cải cách bị chững lại. Đây cũng chính là những hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết số 02.
Tiếp tục phát triển tinh thần kinh doanh
Lũy kế đến năm 2021, cả nước có hơn 1,6 triệu doanh nghiệp được thành lập, nhưng ước tính chỉ có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Do đó, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động tại nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội đề ra, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục, một việc hết sức quan trọng là Chính phủ tập trung ưu tiên hơn cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới nhằm giúp các doanh nghiệp này có thể trụ vững và phát triển trên thị trường. Các thể chế, môi trường kinh doanh này sẽ tác động rất lớn đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của doanh nghiệp. Chỉ với những thể chế được cải cách, môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng và thuận lợi sẽ là những yếu tố cơ bản không thể thiếu để doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm doanh nghiệp cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách quy định, thủ tục, dỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của các địa phương. Tuy nhiên, một số lĩnh vực cần tiếp tục thay đổi nhiều hơn như thực hiện triệt để thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến, minh bạch các quy trình thủ tục, chi phí,... Mặt khác, tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô lớn của nước ta vẫn còn thấp, chỉ khoảng 2,6%, trong khi có tới 94% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề trong phát triển, nhất là về quy mô. Việc thiếu vắng lực lượng các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn đã khiến Việt Nam khó tiếp cận các công nghệ mới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chưa tận dụng được lợi thế về quy mô, khiến năng suất lao động còn thấp.
Để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, các chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách về thể chế về hỗ trợ thị trường, tiếp cận nguồn lực nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển hơn nữa tinh thần kinh doanh, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ có chỉ đạo thường xuyên, liên tục, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và tâm lý thờ ơ ở một số nơi. Áp lực cải cách cần được tạo ra thường xuyên, nói đến nhiều lần, nhiều nơi một cách chi tiết và cụ thể. Bên cạnh đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương dành thời gian nhiều hơn, tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để tạo thói quen trong việc liên tục nắm bắt những vấn đề, rào cản của doanh nghiệp trong lĩnh vực mình được theo dõi, quản lý để nhìn nhận và thay đổi trong tương lai, tạo tiền đề nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam hơn là chỉ chú tâm phát triển số lượng.
Nguồn: nhandan.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI