Đón đầu xu hướng thị trường để tăng tốc xuất khẩu

11:07:18 | 6/7/2022

Ngoài việc tận dụng cơ hội rộng mở từ các FTA, các doanh nghiệp Việt cũng cần “chớp thời cơ” từ các thị trường ngách và  xu hướng tiêu dùng mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tận dụng tốt cơ hội từ FTA

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2021 đã có 33 thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD (tăng 2 thị trường so với năm 2020), 5 thị trường trên 10 tỷ USD, 11 thị trường trên 5 tỷ USD (tăng 3 thị trường so với năm 2020). Kết quả trên được đánh giá là do các doanh nghiệp và hiệp hội đã tận dụng tốt các cơ hội từ 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.

Trong năm qua, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đưa vào thực thi chính thức Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Bên cạnh đó, việc chú trọng công tác đàm phán mở cửa thị trường, tham gia các FTA, công tác triển khai thực thi các FTA đã đạt hiệu quả tốt.

Đáng lưu ý, với Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng dương. Cụ thể như xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5%; xuất khẩu sang Peru đạt 560 triệu USD, tăng 84,4%.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA kể từ khi đưa vào thực thi đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước. Trong năm 2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 208.653 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 8,1 tỷ USD đi 27 nước EU.

Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh ghi nhận mức tăng 16,4%, đạt 5,8 tỷ USD. Năm 2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp C/O mẫu EUR.1 (UKVFTA) đã cấp 25.519 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 992 triệu USD.

Đối với thị trường châu Phi, theo thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu  nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 936 triệu USD, tăng 21,0% so với năm 2020. Thị trường châu Đại Dương kim ngạch 557 triệu USD, tăng 11,7% so với năm 2020.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2021 đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Trong năm 2021, đã có 1,2 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 24% về trị giá và tăng 23% về số lượng bộ C/O so với năm 2020.

Thị trường Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ AIFTA cao nhất với 68,7%; đứng tiếp theo là thị trường Chile và Hàn Quốc với tỷ lệ tận dụng lần lượt là 61,8% và 51%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ thị trường Lào và Campuchia không cao do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp thường tận dụng ưu đãi trực tiếp từ Hiệp định ATIGA. Tính chung tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2021 là 32,66%.

Có thể thấy, các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tìm hiểu nhiều thị trường ngách

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khi thị trường đã được phân chia và định hình về cơ bản tại những khu vực thị trường lớn trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm thị trường ngách để tồn tại, không nên cạnh tranh trực tiếp với các nhà phân phối lớn trên thế giới.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường mới tại Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Nhiều diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm, hội nghị hội thảo đã được tổ chức nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias - Chủ tịch Quốc hội Mozambique bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hai nước nhiều cơ hội để tăng cường kết nối, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025.

Xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tính riêng trong tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước; quý II/2022 ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 6 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%; nhóm xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng tới 81,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu lên tới 710 triệu USD. Trong 6 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, VN nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, tăng 39,5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 10,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 39,9%.

Thông qua Mozambique, các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đầu tư vào Mozambique trong nhiều lĩnh vực như du lịch, khai thác khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp. Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước thành viên Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC).

Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigee Sereejav cho biết sẽ tích cực là cầu nối, tạo môi trường để các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm kiếm đối tác trong các nhiều lĩnh như chăn nuôi, nông nghiệp, du lịch, dược phẩm… không chỉ hợp tác về thương mại mà còn hợp tác toàn diện về kinh tế, xây dựng các dự án chung, tăng cường đầu tư giữa hai nước, thiết lập môi trường để doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển.

Còn Đại sứ Uruguay tại Việt Nam Raul Juan Pollak bày tỏ mong muốn sẽ tăng cường tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác về đầu tư và thương mại. Trong đó có các hoạt động hội thảo, tọa đàm online để kết nối doanh nghiệp hai nước, giúp hai bên tìm hiểu về thị trường, nhu cầu, thế mạnh của nhau, xúc tiến thương mại, đầu tư về vào các lĩnh vực, dự án tiềm năng.

Ngoài việc tận dụng các thị trường ngách, các doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới từ các đối tác.  Một trong những xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới hiện nay là tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn. Ông Vũ Bá Phú cho rằng, xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh VN thực hiện cam kết COP26, giảm phát thải khí nhà kính… sẽ hình thành nên xu hướng kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn. Trước đó, châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản có xu hướng quay về sử dụng sản phẩm của thiên nhiên. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

Theo ông Vũ Bá Phú, với các mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, các doanh nghiệp cần tuân thủ việc sản xuất xanh, hữu cơ, bên cạnh đó chú trọng khâu thiết kế bao bì đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Hiện nay, quy mô hộ gia đình tại Nhật đang thu hẹp, công việc bận rộn khiến người Nhật ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm tiện lợi, dễ nấu hoặc đã chế biến sẵn, đóng gói theo các túi nhỏ và được bán tại tất cả các chuỗi siêu thị lớn và các cửa hàng tiện lợi.

Bên cạnh đó, người Nhật đặc biệt quan tâm nhất đến chất lượng thực phẩm. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều luật và quy định quản lý chất lượng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu, chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các doanh nghiệp VN cần lưu ý khi xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm sang Nhật Bản, sản phẩm phải luôn đảm bảo chất lượng, thương hiệu của sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp cần thiết lập một kênh liên kết chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong mọi khâu từ sản xuất đến bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu; đồng thời hàng xuất khẩu cần có sự đa dạng về khẩu vị, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã, bao bì cho bắt mắt và hút khách hàng.

Người tiêu dùng Nhật Bản khá nhạy cảm với thay đổi của giá cả. Do vậy, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả cũng như lượng cung ứng từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm nhiều hơn nữa, vì những sản phẩm chất lượng chỉ thực sự được đón nhận khi được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ.

Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc)

Việt Nam có nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu như các loại trái cây nhiệt đới, thủy sản, gạo và nhiều sản phẩm nông sản khác. Không ít sản phẩm nằm trong Top đầu trong phân khúc hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc.

Khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu đối với hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu và tuân thủ các quy định, yêu cầu đó (tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì, truy xuất nguồn gốc).

Doanh nghiệp cần có bộ phận hoặc đội ngũ cán bộ chuyên trách về thị trường và am hiểu ngoại ngữ của thị trường đó. Đồng thời phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản  đông lạnh.

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada

Do tình hình đại dịch kéo dài khiến cho giá vận chuyển tăng cao, thiếu vỏ container, thiếu nhân lực bốc dỡ khiến thời gian giao hàng bị chậm trễ, phải lưu ở cảng rất lâu, tăng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.

Mặt khác, thuế quan cũng đang là vấn đề các doanh nghiệp cần lưu ý. Đơn cử, phía Canada áp thuế chống bán phá giá ghế bọc nệm từ Việt Nam. Để không bị áp thuế, các doanh nghiệp Việt Nam phải kê khai và trả lời đầy đủ thông tin theo yêu cầu từ phía các nhà nhập khẩu Canada. Tính đến nay, chỉ có 8 trong số tổng hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và mặt hàng gỗ vào Canada tham gia trả lời và chỉ bị áp thuế ở mức tương đối thấp, khoảng 3,7%. Trong khi đó, các doanh nghiệp không tham gia kê khai và trả lời đã bị áp thuế tới 179%.

Ngoài ra, phía Canada có đạo luật an toàn tiêu dùng. Cụ thể, các đồ nội thất xuất khẩu sang thị trường này phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, không có các chất như thủy ngân và một số chất khác trong sản phẩm. Nhãn mác phải có tên bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Riêng với các sản phẩm bọc nệm sẽ phải thử nghiệm thuốc lá theo tiêu chuẩn của hội đồng tiêu chuẩn Canada.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)