09:08:27 | 18/8/2022
Báo cáo chính thức Tổng Điều tra kinh tế 2021 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, ngược lại khu vực nhà nước giảm rõ rệt. Trong đó, số lượng doanh nghiệp và lao động phát triển nhanh tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội.
Dịch vụ-điểm sáng về tăng trưởng kinh tế
Xét theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 660,1 nghìn doanh nghiệp ngoài Nhà nước (không tính doanh nghiệp đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động, tạm ngừng và ngừng hoạt động có thời hạn) chiếm 96,4% tổng số doanh nghiệp cả nước và tăng 35,1% so với năm 2016; 22,2 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 3,3% và tăng 58,8%; gần 2 nghìn doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 0,3% và giảm 26,3% so với năm 2016 do chủ trương sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.
Về lao động, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước thu hút hơn 8,6 triệu lao động, chiếm 58,6% tổng lao động của doanh nghiệp, tăng 0,4% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm 34,6% và tăng 22,5%; doanh nghiệp Nhà nước có 1 triệu lao động, chiếm 6,8% và giảm 21,8%.
Theo vùng kinh tế, số lượng doanh nghiệp và lao động phát triển nhanh tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội.
Trong đó, vùng Đông Nam Bộ - đầu tàu kinh tế của cả nước, có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất với 281,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% số doanh nghiệp cả nước, tăng 32,2% so với năm 2016. Vùng Đồng bằng sông Hồng - trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước với 216,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 36,8% so với năm 2016; thu hút 4,9 triệu lao động, chiếm 33,2%, tăng 6,9% so với năm 2016.
Cũng theo báo cáo, cơ cấu doanh nghiệp đang hoạt động giữa các khu vực kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ.
Khu vực dịch vụ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, với 466,5 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm thời điểm 31/12/2020, chiếm 68,2% trong tổng số doanh nghiệp và tăng 31,7% so với năm 2016. Tuy nhiên, mức độ thu hút lao động của khu vực này chỉ đạt 5,2 triệu lao động, chiếm 35,1% trong tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 10,3% so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp – xây dựng. Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực dịch vụ tăng 7,1%/năm về số lượng doanh nghiệp và tăng 2,5%/năm về lao động, trong đó ngành kinh doanh bất động sản và ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được nhịp tăng trưởng đều và ổn định với số doanh nghiệp bình quân mỗi năm tăng lần lượt là 14,4% và 11,3%, (cao hơn mức tăng 7,0%/năm và 8,3%/năm giai đoạn 2011-2015).
Doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều lợi nhuận nhất trong các loại hình doanh nghiệp
Báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào doanh nghiệp duy trì nhịp tăng trưởng nhanh qua các năm; quy mô doanh nghiệp được mở rộng chủ yếu dựa vào tăng trưởng nguồn vốn thay vì tăng trưởng lao động.
Tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của toàn bộ doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2020 đạt 48,7 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 73,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn thu hút đạt 38,4 triệu tỷ đồng/năm với tốc độ tăng 14,8%/năm, tăng 104,1% so với giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng về vốn luôn ở mức cao hơn so với tốc độ tăng về số lượng lao động.
Cơ cấu nguồn vốn thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp FDI, giảm dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, tính đến cuối năm 2020, doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 59,4% tổng vốn toàn doanh nghiệp, tăng 92,5% so với năm 2016; doanh nghiệp FDI chiếm 19,2%, tăng 84,4% năm 2016; doanh nghiệp Nhà nước chiếm 21,4%, tăng 30,8%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, vốn doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 17,8%/năm và tăng 135,5% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp Nhà nước tăng 6,9%/năm và tăng 55,2%; doanh nghiệp FDI tăng 16,5%/năm và tăng 105,5%.
Khu vực công nghiệp – xây dựng có quy mô nguồn vốn bình quân doanh nghiệp lớn nhất trong khi khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân doanh nghiệp ổn định nhất. Khu vực công nghiệp – xây dựng có quy mô nguồn vốn bình quân đạt 75,7 tỷ đồng/doanh nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 69,4 tỷ đồng/doanh nghiệp và khu vực dịch vụ đạt 69,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, quy mô nguồn vốn bình quân doanh nghiệp khu vực công nghiệp – xây dựng là 70,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 63,2 tỷ đồng/doanh nghiệp và khu vực dịch vụ 60,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tương ứng tốc độ tăng là 21,4%; 11,1% và 31,2% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Doanh thu thuần của doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016-2019 nhưng có xu hướng giảm qua từng năm và chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp tạo ra trong năm 2020 đạt 27,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019 và tăng 57% so với năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ tăng có xu hướng giảm dần, năm 2017 tăng 18,5%, 2018 tăng 14,4%; 2019 tăng 11,4% và năm 2020 tăng 4%. Doanh thu thuần của doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 23,1 triệu tỷ đồng/năm, tăng 12%/năm và tăng 85,8% so với giai đoạn 2011-2015.
Đáng chú ý, lợi nhuận tạo ra bởi doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp. Năm 2020, doanh nghiệp FDI đạt lợi nhuận 463,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 48,6% trong tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp, tăng 14,1% so với năm 2019 và tăng 41,8% so với năm 2016. Doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra khoảng 295,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 31%, tăng 6,6% so với năm 2019 và tăng 57,3% so với năm 2016. Doanh nghiệp nhà nước tạo ra 195 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,4%, giảm 5,7% so với năm 2019 và giảm 1,4% so với năm 2016.
Giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận trước thuế bình quân doanh nghiệp FDI tạo ra đạt 392,5 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 9,1%/năm và tăng 111,6% so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Doanh nghiệp ngoài nhà nước có lợi nhuận trước thuế bình quân đạt 275,1 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 12%/năm và tăng 172,9% so với bình quân giai đoạn trước. Doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận trước thuế bình quân đạt 197,9 nghìn tỷ đồng/năm, giảm 0,3%/năm và tăng 15,2% so với bình quân giai đoạn trước.
Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI