Công ty cà phê 706: Tạo bước đột phá, sát cánh cùng ngành cà phê Gia Lai

10:56:01 | 9/9/2022

Tọa lạc tại vùng đất Gia Lai được mệnh danh là "thủ phủ" cà phê, Công ty cà phê 706 luôn nỗ lực đổi mới từ cách thức canh tác đến áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào đầu tư thâm canh. Chính những định hướng sáng suốt thời gian qua đã góp phần giúp doanh nghiệp thu về không ít thành quả lớn.

Phỏng vấn của phóng viên Vietnam Business Forum cùng ông Trần Minh Tuân, Giám đốc Công ty cà phê 706 xung quanh vấn đề này. Hàn Lương thực hiện.

Xin ông chia sẻ hành trình Công ty cà phê 706 đã đi qua?

Công ty cà phê 706 là một đơn vị thành viên, trực thuộc TCT cà phê Việt Nam, chuyên canh sản xuất, chế biến sản phẩm cà phê. Những ngày đầu đi vào hoạt động, đơn vị được giao nhiệm vụ, trồng và chế biến sản phẩm cà phê vối với diện tích 720 ha. Do vườn cây trồng những năm 1982- 1992 có thời gian kinh doanh trên 30 năm nên cây cà phê sinh trưởng phát triển có chiều hướng đi xuống. Bên cạnh đó, cây giống không được chọn lọc nên khả năng kháng bệnh không cao, quả nhỏ, không đồng đều. Chăm sóc đầu tư nhiều mà hiệu quả lại thấp.

Từ tình hình trên, cùng với nhiệm vụ chính là phải thường xuyên đổi mới cách thức canh tác, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào đầu tư thâm canh nhằm không ngừng nâng cao năng suất lao động, năng suất sản phẩm; nên bắt đầu năm 2005, Công ty đã có chủ trương về việc thực hiện tái canh vườn cây cà phê đã già cỗi bằng giống cây cà phê giống mới, có chọn lọc, có sức kháng bệnh tốt, cho năng suất cao. Hiện Công ty có tổng diện tích 801 ha, trong đó có 740 ha đất trồng cây cà phê; tổng số lao động hiện tại là 616 người. Tham gia BHXH là 616 người, có 7 đơn vị sản xuất, 3 phòng chuyên môn, 1 tổ chức Công đoàn, 1 tổ chức Đoàn thanh niên, bình quân 01 lao động đảm nhận 01 ha cà phê nhận khoán, đảm bảo được công việc làm thường xuyên, bình quân thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Công ty được TCT đánh giá là một trong những đơn vị chủ lực của ngành cà phê Việt nam về đóng góp sản lượng.

Đặc biệt trong 2 năm qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng chung đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có ngành cà phê. Với đặc thù của ngành trồng chăm sóc cây cà phê, ngoài việc cần vốn để đầu tư thâm canh thì việc cần lao động sống (kỹ thuật) là rất lớn từ 280- 300 công/ha/năm. Trong bối cảnh đó, những lao động đi làm ăn xa tạo thêm thu nhập cũng bị ảnh hưởng nên không tích luỹ được vốn, làm giảm nguồn đầu tư vào sản xuất (thuê mướn lại nhân công). Tuy nhiên, do diện tích canh tác rộng, đất đai màu mỡ, nên đã thu hút được số lượng lớn lao động từ các tỉnh miền Trung (đặt biệt là mùa thu hoạch sản phẩm) do có công việc làm ổn định. Từ tác động xấu của dịch bệnh, hiện nay đa số lao động của Công ty đã trở về đơn vị để tiếp tục công tác. Đây là tín hiệu tích cực trong việc giải quyết nguồn nhân lực lao động tại chỗ, cũng như ổn định và thu hút thêm nhân lực lao động về địa bàn tỉnh Gia Lai.

Việc hội nhập thương mại thế giới về các sản phẩm xuất nhập khẩu là xu thế toàn cầu. Vậy Công ty cà phê 706 đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng nào?

Xu hướng ngành cà phê hiện nay là dòng sản phẩm sạch. Theo đó, chúng tôi cũng đang tích cực tham gia các chương trình cà phê sạch: UTZ, 4C. Việc tham gia các chương trình này khi giao dịch thành công thì sản phẩm được chiết khấu % giá trị sản phẩm. Đây cũng là động lực để thu hút được nguồn sản phẩm cũng như nâng cao trách nhiệm của người lao động với việc bảo vệ môi trường. Theo đó, đơn vị luôn quan tâm đến chương trình cà phê sạch, hàng năm đều có chứng nhận của chương trình UTZ và 4C cấp chứng nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng gặp một số cản trở, khó khăn như trong việc xác định nguồn gốc sản phẩm từ bên ngoài nhập vào. Một số nông hộ sản xuất trong vùng cũng chưa tham gia chương trình cà phê sạch, vì vậy cũng ảnh hưởng rất lớn trong quá trình truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Nếu bị trà trộn, chất lượng sản phẩm sẽ bị giảm, theo đó uy tín của đơn vị cũng bị ảnh hưởng theo. Một khó khăn không nhỏ nữa là đơn vị hiện nay chưa có máy móc thiết bị để chế biến tinh mà chủ yếu xuất thô vì vậy giá trị sản phẩm thu về không cao. Ngoài các doanh nghiệp Nhà nước, trên địa bàn cũng có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, rất có tiềm năng thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, tính cạnh tranh cũng rất cao. Trước tình hình đó, để thu hút được nguồn nguyên liệu chế biến; trước hết, đối với nguồn sản phẩm nội bộ (của đơn vị) Công ty có cơ chế thu mua với giá cả ngang bằng với thị trường bên ngoài; thông tin về giá hàng ngày, thu mua toàn bộ sản phẩm sản xuất ra trên vườn cây nhận khoán để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Đối với vùng nguyên liệu (lân cận), Công ty cũng mở rộng tìm hiểu, xác định vùng để đảm bảo nguồn gốc, ưu tiên đối với sản phẩm là rẫy cà phê của người nhận khoán trong Công ty. Đồng thời việc quy đổi tỷ lệ được Công ty quan tâm - đây cũng là điểm nhấn quan trọng nhằm thu hút sản phẩm vùng nguyên liệu.

Ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Công ty cũng tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trong địa bàn?

Doanh nghiệp luôn chủ động tham gia huấn luyện, diễn tập an ninh quốc phòng theo chỉ thị của các cấp. Không chỉ vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh cũng rất được Công ty cà phê 706 chú trọng. Cụ thể, thời gian qua, đơn vị đã đầu tư xây dựng đường sá giao thông nội bộ, công công; hệ thống kênh mương thuỷ lợi phục vụ sản xuất chung; hệ thống điện sản xuất, phục vụ sinh hoạt; các trường cấp 1, 2 trường mầm non cho giáo dục; xây dựng các hội trường học tập cộng đồng dùng chung với thôn làng. Hiện nay, các cơ sở hạ tầng nói trên đã và đang bàn giao về địa phương quản lý. Việc giao lưu, kết nghĩa với các đơn vị ở địa phương cũng được chính quyền xã, huyện đánh giá cao về nội dung, phương pháp hoạt động cũng như việc chung tay ủng hộ về tinh thần và vật chất trong các ngày lễ hội truyền thống. Qua hoạt động đó, đã tạo mối thân tình đoàn kết giữa doanh nghiệp với người dân tộc thiểu số ngày càng thắm tình và gắn bó hơn. Từ đó, ngày càng khẳng định được vị thế và tầm quan trọng của doanh nghiệp trên địa bàn.

Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giữ vững vị thế chủ chốt, Công ty sẽ thực hiện một số chiến lược trọng tâm nào?

Mục tiêu thời gian tới, doanh nghiệp sẽ hoàn thành chương trình tái canh trên toàn bộ diện tích cà phê; đưa giống mới, có năng suất cao, chịu đựng hạn hán, chống chịu sâu bệnh hại vào canh tác. Đặc biệt là chú trọng vào định hướng sản xuất cà phê sạch với phương châm đầu tư phân hữu cơ tỷ lệ 60% so với 40% phân vô cơ. Đầu tư, mua sắm trang bị máy móc công nghệ để đi vào chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Hạn chế việc sản xuất chế biến sản phẩm thô.

Một điểm nghẽn không thể không nhắc đến trong hành trình hướng đến mục tiêu của đơn vị chính là cần tháo gỡ những khó khăn về môi trường đầu tư, trong đó việc tiếp cận vốn cho đầu tư sản xuất là mấu chốt nhất. Nếu giải toả được nút thắt này (tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách…) thì việc đầu tư vào sản xuất để tạo ra sản phẩm cho xã hội mới có nhiều tính khả thi hơn./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum