Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Cái nôi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Lào

10:15:25 | 26/9/2022

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những đơn vị đào tạo cán bộ đắc lực cho nước bạn Lào và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động này vừa tham gia xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, vừa góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Từ năm 1992, khi Hiệp định hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào được ký kết, Học viện luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cũng như học tập cho các lưu học sinh Lào. Học viện hiện có quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều đối tác Lào như: Học viện Chính trị hành chính quốc gia Lào, Viện Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào (Thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào), Báo Pasaxon...

Đến nay, Học viện đã tiếp nhận và đào tạo cho Lào 576 cử nhân, 74 thạc sĩ và 4 tiến sĩ. Đây là con số lớn so với tổng số lưu học sinh Lào trong diện đào tạo theo Hiệp định. Các lưu học sinh Lào chủ yếu theo học các ngành lý luận chính trị như: Triết học, Kinh tế chính trị, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chính trị học,… Trong đó, Chính trị học là ngành được lựa chọn nhiều nhất (chiếm gần 35% tổng số sinh viên, học viên các ngành học), tiếp đó đến Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước (gần 20% tổng số sinh viên, học viên các ngành học). Ngoài ra, còn có một số chuyên ngành khác như: Báo chí, Xã hội học, Xuất bản… Hầu hết lưu học sinh Lào khi về nước đều có vị trí công tác tốt, nắm giữ những vị trí chủ chốt trên các lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời là cầu nối củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia, dân tộc.

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, tiếp nối những thành công này, Học viện sẽ tiếp tục đổi mới và đổi mới toàn diện công tác đào tạo, góp phần thực hiện thành công Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu xuyên suốt giai đoạn 2021-2030 là “tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào”.

Theo đó, Học viện xác định đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Học viện sẽ đổi mới nội dung, chương trình, cách thức đánh giá kết quả học tập phù hợp với trình độ kiến thức, khả năng tư duy và tâm lý của lưu học sinh Lào. Cùng với đó, Học viện sẽ nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập và sinh hoạt của lưu học sinh Lào... Năm 2022, Học viện ban hành Quy chế quản lý, duy trì cán bộ chuyên trách phụ trách quản lý để kịp thời quan tâm, giúp đỡ lưu học sinh Lào trong quá trình học tập, sinh hoạt. Ngoài giờ dạy trên lớp, ban lãnh đạo Học viện cũng sẽ dành thời gian giúp các lưu học sinh nâng cao ngôn ngữ, thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Học viện sẽ có chính sách mới, tích cực truyền thông, quảng bá hình ảnh Học viện và các chuyên ngành tới học viên Lào, đặc biệt là các ngành học phù hợp với nhu cầu xây dựng, phát triển đất nước Lào như: Triết học, Xây dựng Đảng, Xã hội học, Báo chí, Quan hệ công chúng và quảng cáo,… qua đó, có cơ hội đào tạo các ngành nghề phong phú hơn cho nước bạn Lào.

Thời gian tới, Học viện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ phía Đảng, Nhà nước, các cơ quan cấp cao của hai nước trong việc thiết lập, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác tại Lào; phối hợp tổ chức các hoạt động chung như: Diễn đàn, hội thảo khoa học… giữa Học viện và các đối tác nhằm hướng các hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính sách, chế độ đối với lưu học sinh Lào cần được cải thiện để lưu học sinh yên tâm học tập, tu dưỡng. Đặc biệt, việc lắng nghe ý kiến, đánh giá của các cơ quan sử dụng lao động của Lào là rất cần thiết để Học viện nâng cao chất lượng đào tạo.

“Có thể nói, sau 30 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nhiệm vụ chính trị đặc biệt này. Học viện sẽ không ngừng nỗ lực, có thêm những đóng góp để mối quan hệ hợp tác truyền thống Việt - Lào ngày càng bền chặt, gắn bó keo sơn, đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane”, PGS. TS. Phạm Minh Sơn khẳng định.

Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)