10:46:45 | 10/11/2022
Ngày 9/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức diễn đàn “Đồng hành cùng Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số” với mục đích cùng với các bộ, ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ DN và cộng đồng DN Việt Nam mổ xẻ những thách thức; chia sẻ, thảo luận về thực trạng, các chính sách, xu hướng, cơ hội và các công cụ, giải pháp nhằm hỗ trợ SMEs trong tiến trình chuyển đổi số. Bên lề sự kiện, phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa xung quanh vấn đề này.
Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa
Thưa ông, chuyển đổi số đóng vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển của quốc gia?
Nhờ có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, thế giới đã và đang trải qua một sự chuyển đổi lớn sâu rộng và toàn diện trong đời sống kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia.
Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm và chú trọng việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới, sáng tạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng đã được Chính phủ ban hành ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với chính sách đúng đắn của Nhà nước, hiện nay, Việt Nam đã có ngành viễn thông và công nghệ thông tin tương đối phát triển làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số với DN SMEs chiếm vị trí quan trọng như thế nào trong phát triển nền kinh tế, thưa ông?
Với thị trường nội địa gần 100 triệu người, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao với 70% dân số sử dụng Internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.
Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.
Tuy nhiên, việc nền kinh tế Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số nhanh chóng đang diễn ra phụ thuộc vào việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số. Đây cũng là nhiệm vụ đầy thách thức cho cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo khảo sát của VCCI, hiện nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp SMEs đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp SMEs đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán – tài chình, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.
Các lãnh đạo, doanh nghiệp trải nghiệm khu vực giới thiệu cuốn e-Handbook
Quá trình chuyển đổi số của chủ yếu DN SMEs vẫn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề nhận thức. Theo ông, DN SMEs cần nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.
Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên với năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu thực hiện chuyển đổi số mà doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công.
Là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”, VCCI đã và đang có những hoạt động gì hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình chuyển đổi số?
VCCI cũng rất năng động và bám sát hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tại Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2021-2026, VCCI đã xác định Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng phải thực hiện trong nhiệm kỳ.
Trong những năm vừa qua, VCCI đã phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng ứng dụng và cơ hội trải nghiệm công cụ số để phát triển kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động cho hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp của Việt Nam và đã thực sự đóng góp tích cực vào việc thay đổi nhận thức, tư duy và khả năng ứng dụng các công cụ số một cách hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp.
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số vượt qua những khó khăn thách thức và tận dụng cơ hội do chuyển đổi số đem lại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục kết nối, phối hợp với các cơ quan chức năng; huy động, xã hội hóa và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài về mặt nguồn lực, công nghệ, tài chính cho chuyển đổi số cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất nhằm phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Để đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa thì ngoài sự tham gia của bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức thì còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trong những năm vừa qua, VCCI đã phối hợp với nhiều tổ chức triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng ứng dụng và cơ hội trải nghiệm công cụ số để phát triển kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động cho hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp của Việt Nam và đã thực sự đóng góp tích cực vào việc thay đổi nhận thức, tư duy và khả năng ứng dụng các công cụ số một cách hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp. Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số vượt qua những khó khăn thách thức và tận dụng cơ hội do chuyển đổi số đem lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp với và Tập đoàn Meta cùng tìm hiểu về những thách thức mà doanh nghiệp nhro và vừa đang đối mặt, trao đổi, thảo luận và chia sẻ về thực trạng, các chính sách, chương trình, xu hướng, cơ hội và các công cụ, giải pháp, về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Giang Tú (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI