16:00:30 | 24/4/2024
Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh đã có buổi tiếp đoàn cán bộ Chính phủ Bangladesh do ông Mahbub Hossain, Chủ nhiệm Văn phòng phủ Thủ tướng ( Respected Cabinet Secretary) nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Việt Nam.
Tại buổi gặp, ông Mahbub Hossain bày tỏ sự cảm ơn VCCI đã tổ chức buổi gặp gỡ và mong muốn tìm hiểu về VCCI, các hoạt động của VCCI trong việc bảo vệ phúc lợi của người lao động thông qua chương trình bảo hiểm xã hội và các quy định có lợi cho người lao động.
Theo Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh, VCCI là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, với hơn 200.000 thành viên, bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, có chi nhánh và văn phòng đại diện trên toàn quốc.
VCCI là tổ chức tiên phong trong phát động và triển khai nhiều hoạt động quan trọng vì sự phát triển của doanh nghiệp, là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, đóng góp, tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết. VCCI cũng là đơn vị tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tư vấn đào tạo doanh nghiệp, các hoạt động giao lưu quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực và phát triển sản xuất kinh doanh.
“Chúng tôi có những hoạt động và có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, các tổ chức công đoàn. Hiện Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi luật Luật bảo hiểm xã hội, cũng như hoàn thiên các chính sách về an sinh xã hội. Đây là những vấn đề rất quan trọng được Chính phủ và các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm”, bà Lan Anh nói.
Bà Lan Anh chia sẻ thêm, trong thời điểm đại dịch COVID 19, Việt Nam đã có nhiều chương trình an sinh xã hội hỗ trợ người lao động khi mà các công ty, doanh nghiệp phải đóng cửa. VCCI cũng đã đề xuất Chính phủ những chính sách, các gói tài chính hỗ trợ DN, người sử dụng lao động và người lao động để họ có thể tồn tại và phục hồi trong và sau đại dịch…
Ông Mahbub Hossain cho biết, những thông tin mà bà Lan Anh chia sẻ sẽ góp phần hỗ trợ các quan chức Chính phủ Bangladesh thiết kế chương trình bảo hiểm xã hội cho người lao động ở Bangladesh. Đồng thời ông cũng chia sẻ một số kinh nghiệm của Bangladesh về các chương trình mạng lưới an sinh xã hội.
Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/2/1973. Trải qua hơn 50 năm phát triển, quan hệ hữu nghị giữa hai nước luôn bền chặt, lãnh đạo và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau tình cảm thân thiện, với sự tin cậy chính trị cao, là nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.
Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở khu vực Nam Á, thương mại giữa hai nước tăng 4 lần trong vòng 10 năm (từ khoảng 350 triệu USD năm 2012 đến xấp xỉ 1,5 tỷ USD năm 2022), đang hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD trong những năm tới mà lãnh đạo hai nước đã đề ra. Hai nước cũng vừa gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo thêm 5 năm (đến năm 2027) và cùng với đó có nhiều lĩnh vực hợp tác mà hai nước có thể bổ sung cho nhau. Đặc biệt, Bangladesh là một trong ba thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam sau Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác quan trọng, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Hợp tác kinh tế, thương mại là điểm sáng mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Bangladesh được coi là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, tiếp cận và tiếp tục vươn rộng ra các thị trường Nam Á và Trung Đông khác. Ngược lại, các doanh nghiệp Bangladesh có thể thấy tầm quan trọng của Việt Nam để mở rộng thâm nhập vào các thị trường Đông Nam Á khác và sang các nước đối tác mà Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do FTA.
Với rất nhiều tiềm năng lợi thế và thị trường hai nước gần 270 triệu người (Bangladesh 160 triệu; Việt Nam hơn 100 triệu), hai nước Việt Nam và Bangladesh hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi thương mại cho nhau. Bên cạnh đó, việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp hai nước để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như dệt may, nông thủy sản (đặc biệt là gạo và lương thực), vật liệu xây dựng, hai nước là điều hết sức quan trọng. Ngoài ra, 2 bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá, tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam – Bangladesh còn rất lớn, điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động, sáng tạo, hiệu quả của chính các doanh nghiệp.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)