09:31:35 | 7/6/2024
Xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam đã và đang ghi nhận kết quả khả quan, tăng trưởng mạnh mẽ về cả sản lượng và giá trị. Doanh nghiệp và người sản xuất ngày càng tiếp cận hiệu quả các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu; trong đó xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.
Các Hiệp hội, doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, đồng thời khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng; thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế; các Hiệp hội ngành hàng đã, đang phát huy vai trò tích cực, giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản.
Nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thương mại… Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành rau quả Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tăng cường liên kết doanh nghiệp, nâng cao vai trò hiệp hội ngành hàng, định hướng sản xuất và quản trị doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực đàm phán, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các khu vực/phân khúc thị trường mới tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả như: sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh… Những yếu tố trên sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.
Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các Hiệp hội ngành hàng và các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, kịp thời tới các doanh nghiệp, người sản xuất về các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng về các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng liên quan đến lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung và lúa gạo, rau quả nói riêng, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ, nắm chắc và thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Nhà nước vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Bộ Công Thương tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường, đồng thời chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản xuất và cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch; đồng thời, phối hợp, tư vấn cho các địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo các phương thức hiện đại, hợp chuẩn, bảo đảm chất lượng ổn định và các yêu cầu về an toàn thực phẩm, rõ mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.
Đối với các Bộ, ngành chức năng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…; đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam nhằm khẳng định thương hiệu ở các thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.
Cùng với đó, các bộ ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong quy trình sản xuất, nhất là sử dụng các vật tư, nguyên liệu bảo đảm an toàn, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…
Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng.
Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong xử lý những vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động xuất nhập khẩu và thực thi FTA. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các đơn vị vi phạm trong sản xuất sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm và các vi phạm khác có liên quan.
Ngành rau quả Việt Nam có tiềm năng phát triển to lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ, cùng nỗ lực đồng bộ từ các bên liên quan, ngành rau quả Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI