Đột phá từ công nghiệp - năng lượng xanh

09:27:23 | 17/6/2024

Những năm qua, Hải Phòng luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI. Đây cũng là địa phương tiêu biểu trong việc hình thành những sản phẩm công nghiệp mới, công nghiệp xanh. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương TP.Hải Phòng.

Ông có thể cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Công Thương thành phố đã đạt những kết quả gì vượt trội?

Giai đoạn 2019 - 2023, TP.Hải Phòng triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Toàn ngành Công Thương đã nỗ lực, nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng các cấp, các nghị quyết, chương trình của Chính phủ, Thành ủy, các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND thành phố về phát triển kinh tế trên địa bàn, nhất là ngành công nghiệp. Qua đó, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Phòng tự hào là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong công nghiệp. Trên địa bàn thành phố có nhiều dự án quy mô lớn, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới như: Tập đoàn LG - Hàn Quốc (trên 8,2 tỷ USD); Tập đoàn Bridgestone - Nhật Bản (1,22 tỷ USD); Tập đoàn Regina Miracle - Hồng Kông (1 tỷ USD); Tập đoàn Pegatron - Đài Loan (0,8 tỷ USD). GRDP công nghiệp chiếm trên 48% GRDP thành phố; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 16,85%/năm, góp phần khẳng định vai trò là động lực trong tăng trưởng kinh tế của thành phố (tốc độ tăng IIP luôn đứng trong top đầu cả nước).

Ngành Công nghiệp Hải Phòng đã hình thành những sản phẩm công nghiệp mới, có tính đột phá về công nghiệp chế tạo xanh, đặc biệt là dự án sản xuất sản phẩm ô tô điện, xe bus điện thân thiện môi trường của Công ty Vinfast, lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Bắc Mỹ, tạo nên thương hiệu ô tô quốc gia Việt Nam.

Chất lượng tăng trưởng công nghiệp tiếp tục được cải thiện. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 37,38% năm 2019 lên 45% năm 2023. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng từ 44,2% năm 2019 lên 60,6% năm 2023.

Hạ tầng công nghiệp được quan tâm đầu tư (đã thành lập thêm 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 299,61ha; 02 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.162ha). Hạ tầng thương mại phát triển theo hướng hiện đại (thêm 04 siêu thị, 01 trung tâm thương mại đi vào hoạt động).


Đông đảo người dân, du khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng 2024

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,57%/năm (đứng thứ 5 cả nước về giá trị). Hoạt động thương mại được vận hành theo cơ chế thị trường; đảm bảo lưu thông phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt phát huy vai trò cung ứng kịp thời hàng hóa cho nhân dân.

Sở đã và đang tham mưu cho thành phố phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi.Ông có thể chia sẻ một số kết quả đã đạt được?

Trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét đưa 05 dự án phát triển điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất lên đến 16.200MW, trong đó giai đoạn đến năm 2030 là 9.100MW để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND thành phố đề nghị Bộ Công Thương xem xét ưu tiên đưa các dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện cập nhật các công trình nguồn điện, trạm biến áp, đường dây điện theo danh mục các dự án tại Quy hoạch điện VIII vào Quy hoạch TP.Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023).

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu TP.Hải Phòng tăng bình quân 30,48%/năm, đạt 31 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 04 cả nước. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân trên 20%/năm. Tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố từ 13 - 15%/năm. 

Đồng thời, Sở đã phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện Bạch Long Vĩ, Cát Hải và các đơn vị liên quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khảo sát đo gió trong phạm vi 6 hải lý thuộc thẩm quyền của thành phố để các đơn vị có cơ sở lập dự án (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco).

Căn cứ quy định của pháp luật, các quyết định, kế hoạch thành phố đã ban hành, Sở Công Thương phối hợp cùng các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục tham mưu thành phố có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió ngoài khơi), góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thành (Vietnam Business Forum)