Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính

09:32:36 | 2/7/2024

Sau gần 03 năm triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam, việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Xác định rõ nguyên nhân, tỉnh đang thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung đột phá vào công tác cán bộ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong CCHC. Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam đã có chia sẻ về vấn đề này.

Bà có thể cho biết điểm nhấn nổi bật sau gần 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam?

Trong 03 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành và địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo CCHC và đạt được ở một số mặt nổi bật:

Về cải cách thể chế, từ năm 2021 - 2023, HĐND tỉnh ban hành 109 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 125 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh đã ban hành 03 văn bản về phân cấp trong thực hiện TTHC. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh đã vận hành, được hợp nhất giữa Cổng Dịch vụ công (DVC) và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh. Các TTHC cung cấp DVC trực tuyến toàn trình đã tích hợp và thực hiện thanh toán trực tuyến trên cổng DVC quốc gia. UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC: 16/16 sở, ban, ngành có TTHC đã chuyển giao hoàn toàn việc tiếp nhận TTHC cho Bưu điện tỉnh; 13/18 huyện, thành phố đã chuyển giao 100% TTHC; 19/241 xã, phường, thị trấn chuyển giao 114/114 TTHC.


Quảng Nam tổ chức cuộc thi tìm hiểu CCHC

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Sở Nội vụ đã tham mưu xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Việc xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập đã hoàn thành theo quy định.

Về cải cách chế độ công vụ, UBND tỉnh ban hành Quy định đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. UBND đã tỉnh trình HĐND ban hành, đồng thời đã ban hành các quy định cơ chế, chính sách đối với CBCCVC. Việc tinh giản biên chế được thực hiện thường xuyên.

Về cải cách tài chính công, đến cuối năm 2023, tỉnh đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính tại cơ quan nhà nước cho 488/498 đơn vị (98%). Đối với đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh có 879/894 đã thực hiện cơ chế tự chủ (98,3%).

Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3567/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam. Hệ thống quản lý văn bản Qoffice tập trung, ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã; kết nối trục liên thông văn bản chính phủ và tích hợp chữ ký số chuyên dùng, phục vụ gửi nhận văn bản điện tử. Tỉnh đã hợp nhất Cổng DVC với Hệ thống thông tin một cửa điện tử và kết nối với Cổng DVC quốc gia; cung cấp, công khai 1.305 DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Hệ thống bản đồ thực thi thể chế tại địa chỉ https://bandotheche.quangnam.gov.vn cung cấp thông tin giám sát, thống kê các chỉ tiêu về tiến độ giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến,…

Ngoài ra, việc tuyên truyền về CCHC được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tập trung chuyển tải trọng tâm và quyết tâm CCHC của tỉnh; thống nhất nhận thức, hành động trong đội ngũ CBCCVC, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân.

Theo kết quả về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số CCHC các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Par Index) của Bộ Nội vụ, tỉnh Quảng Nam có điểm số và thứ hạng khá thấp. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Các kết quả: Chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh đạt 78,44% điểm, xếp 59/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,44% và 02 bậc so với năm 2022 (có 04/05 nội dung tăng và 01 nội dung giảm điểm); Chỉ số Par Index năm 2023 của tỉnh đạt 84,60 điểm, xếp 56/63 tỉnh - thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2022.

Qua theo dõi cho thấy các nội dung mất điểm đều diễn ra qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục là các nhiệm vụ: Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ còn tồn tại ở cấp huyện và cấp xã; bộ phận một cửa cấp huyện không nhập kết quả trả hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử; việc xử lý trực tuyến toàn trình tỷ lệ thấp; thực hiện thanh toán hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ rất thấp,…

Để khắc phục các hạn chế này với Chỉ số Par Index, tỉnh sẽ tập trung cải thiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực cải cách TTHC như: Yêu cầu CBCCVC thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; thường xuyên sử dụng hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC. Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp để hồ sơ giải quyết trễ hạn, cố tình gây khó khăn, bức xúc cho cá nhân, tổ chức; làm rõ trách nhiệm đơn vị, địa phương và công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC trễ hạn. Tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến khi thực hiện các TTHC.

Đối với Chỉ số SIPAS, tỉnh sẽ công khai đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận các TTHC tại bộ phận một cửa, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trên trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị; mở rộng các hình thức công khai phù hợp khác. Củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã phù hợp với lộ trình, yêu cầu xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong triển khai thực hiện cải cách TTHC,…

Nhìn chung tỉnh sẽ đề cao vai trò của người đứng đầu trong CCHC. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 16/5/2024 Quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện CCHC. Điểm mới của Quyết định 1171 là quy định nêu rõ trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của 07 lĩnh vực CCHC (Chỉ đạo - điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số). Hiệu quả các lĩnh vực CCHC này sẽ là tiêu chí để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ kiểm tra công vụ, hằng năm xây dựng Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức, văn hóa công vụ của công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ và công vụ.

Có được kết quả đứng đầu trong Bảng xếp hạng Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành năm 2023 là điều không dễ. Bà có thể cho biết những giải pháp để duy trì đà cải cách trong thời gian tới?

Năm 2023, Chỉ số CCHC của Sở Nội vụ đạt 96,86%, xếp vị thứ Nhất trong nhóm 20 sở, ban, ngành của tỉnh và đây cũng là năm đầu tiên đạt được thứ hạng này. Trong thời gian tới, Sở tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh về CCHC đến công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan Sở.

(2) Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở trong công tác CCHC; đặc biệt sự quyết tâm cao của tập thể công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

(3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Sở, của công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ; rà soát đưa ra các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

(4) Chỉ đạo, quán triệt công chức, viên chức, người lao động cơ quan Sở chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

(5) Triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua; duy trì việc đánh giá, xếp loại hàng tháng với công chức, viên chức, người lao động và các phòng, ban, trung tâm thuộc Sở.

(6) Phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại Sở; phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC và chuyển đổi số tỉnh, gương mẫu, đi đầu trong tổ chức thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum