14:21:19 | 5/9/2024
Thời gian qua, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, kế hoạch của ngành Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số (CĐS), VNPT Bình Phước đã nỗ lực xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể với những nội dung cốt lõi, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành của doanh nghiệp (DN) viễn thông với địa phương trong công cuộc CĐS, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Lễ khai trương phần mềm Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước
Phát triển hạ tầng mạng dịch vụ hiện đại, tiện ích
Với mục tiêu đáp ứng mức độ sẵn sàng cao nhất cho hoạt động CĐS, trên cơ sở bám sát Quy hoạch hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh Bình Phước cho từng giai đoạn, nhất là Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS đến năm 2025, VNPT Bình Phước đã tích cực hiện thực hóa các nội dung. Trong đó, tập trung tăng cường đầu tư về hạ tầng, nguồn nhân lực, triển khai hàng loạt các phần mềm, dịch vụ số, đưa các giải pháp CĐS ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh và nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của địa phương trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Ông Nguyễn Trường Tùng, Giám đốc VNPT Bình Phước cho biết: Đến nay, đơn vị đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông vươn tới khắp vùng sâu, vùng xa; các trạm phát sóng phủ rộng trên 95% diện tích toàn tỉnh; dịch vụ internet băng rộng cố định đã cung cấp tới 100% xã, phường,... Đặc biệt, căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam, VNPT Bình Phước đang tích cực triển khai các kế hoạch đầu tư và nâng cấp hệ thống hạ tầng viễn thông, hướng tới việc hiện đại hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong bối cảnh chuẩn bị cắt sóng 2G vào tháng 9/2024.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, VNPT Bình Phước đã triển khai các chiến dịch truyền thông rộng rãi, đa dạng từ tin nhắn SMS, email đến các thông báo trực tiếp tại điểm giao dịch để đảm bảo mọi khách hàng đều nắm rõ thông tin về việc cắt sóng 2G và các bước cần thiết để chuyển sang các công nghệ mới. VNPT Bình Phước cũng cam kết đồng hành, hỗ trợ khách hàng trong việc nâng cấp thiết bị, đảm bảo quyền lợi và duy trì sự kết nối liên lạc một cách ổn định, liên tục.
Theo ông Nguyễn Trường Tùng, trong bối cảnh quá trình CĐS diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay, quyết định cắt sóng 2G không chỉ là bước đi chiến lược của VNPT mà còn tuân thủ các chỉ đạo và định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tối ưu hóa tài nguyên tần số và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ viễn thông tiên tiến như 4G và 5G. Với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Tập đoàn VNPT, cùng với nỗ lực đầu tư và nâng cấp hạ tầng, VNPT Bình Phước cam kết mang đến những dịch vụ viễn thông tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.
Cùng với đó, VNPT Bình Phước đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp hệ thống trạm BTS, mở rộng phạm vi phủ sóng của mạng 4G và chuẩn bị hạ tầng cho mạng 5G trong tương lai. Các trạm BTS hiện tại được cải tiến để nâng cao hiệu suất, đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu liên lạc, truy cập internet của người dân và DN trong tỉnh. Việc đầu tư này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn tạo nền tảng cho các dịch vụ viễn thông và internet tốc độ cao, phục vụ cho quá trình CĐS và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước.
Bên cạnh đầu tư các nền tảng về hạ tầng, VNPT Bình Phước đã triển khai hàng loạt các phần mềm phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số như: Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã liên thông 4 cấp kết nối với Trục LGSP; ứng dụng chữ ký số; hệ thống email công vụ; Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, IOC cấp huyện; hệ thống báo cáo kinh tế xã hội; hệ thống giáo dục vnEdu; Y tế,… phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
VNPT Bình Phước và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước ký kết chương trình phối hợp triển khai kế hoạch CĐS trong công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng và phát triển sầu riêng bền vững trên địa bàn tỉnh
Hoàn thiện “số hóa” cơ sở dữ liệu lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Quản lý đất đai luôn là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm, nhiều hồ sơ và thủ tục khá phức tạp. Nhận thức rõ vấn đề này, UBND tỉnh Bình Phước đặt quyết tâm “số hóa” lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT). Là đơn vị tham gia, đồng hành cùng địa phương trong các dự án mang tính nền tảng CĐS của tỉnh, Tập đoàn VNPT đã tiếp tục được UBND tỉnh tin tưởng giao xây dựng “Phần mềm TN&MT tỉnh Bình Phước”.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, VNPT gấp rút triển khai đồng bộ các hạng mục quan trọng như: Rà soát, phân tích dữ liệu đất đai theo đặc thù từng chi nhánh tỉnh Bình Phước; Khởi tạo hệ thống thông tin đất đai -VNPT iLIS tỉnh Bình Phước đáp ứng các quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai, đủ các thành phần; kết nối với Hệ thống dịch vụ công tiếp nhận hồ sơ đất đai theo các thủ tục hành chính cũng như hệ thống thông tin ngành Thuế để xử lý trực tuyến các nghĩa vụ tài chính sử dụng đất; áp dụng chữ ký điện tử để thực hiện kết nối, luân chuyển hồ sơ đất đai và xử lý các nghĩa vụ thuế với các giao dịch đất đai; đào tạo chuyển giao công nghệ và tập huấn thi công CSDL đất đai trên phạm vi toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trường Tùng cho biết: Dưới sự nỗ lực, tập trung cao độ của các chuyên gia công nghệ thông tin VNPT và các cán bộ Sở TN&MT tỉnh, chỉ sau 6 tháng xây dựng, “Phần mềm TN&MT tỉnh Bình Phước” đã chính thức được đưa vào vận hành. Đây được coi là một bước ngoặt lớn về cải cách thủ tục hành chính, CĐS.
Theo đó, phần mềm đưa vào khai thác, giúp tỉnh tăng cường năng lực công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, giảm thiểu thao tác, thời gian cho cán bộ khi xử lý hồ sơ đất đai..., đảm bảo việc công khai thông tin đất đai, quy hoạch sử dụng đất, giá đất trên môi trường mạng một cách minh bạch, chính xác cho người dân và DN. Thông tin về lĩnh vực TN&MT sẽ được kết nối liên thông với hệ thống dịch vụ công trong tiếp nhận hồ sơ đất đai, với hệ thống thông tin thuế để giải quyết nghĩa vụ tài chính trong sử dụng đất.
Cùng với đó, phần mềm được triển khai ở tất cả các đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo kết nối liên thông với các hệ thống chính quyền điện tử khác, góp phần mang lại những giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân và DN. Hiện VNPT Bình Phước cũng đã đào tạo sử dụng phần mềm cho Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh, 11 chi nhánh VPĐKĐĐ và 11 phòng TN&MT huyện, thị, thành phố cũng như cung cấp công cụ tạo lập cơ sở dữ liệu cho VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh VPĐKĐĐ, bố trí nhân sự đào tạo, hỗ trợ trực tiếp tại các chi nhánh VPĐKĐĐ để đảm bảo vận hành, khai thác phần mềm hiệu quả.
Hướng dẫn các hội viên hợp tác xã, các nông hộ cài đặt ứng dụng VNPT GREEN trên điện thoại thông minh
Hướng tới thúc đẩy CĐS ngành nông nghiệp
Với nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, Bình Phước xác định CĐS trong nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong đó, tập trung đẩy mạnh CĐS trong hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành; cấp mã vùng trồng, hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực quản lý vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phòng chống thiên tai; tổ chức hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn về CĐS cho cán bộ, nông dân, hợp tác xã,...
Bình Phước là địa phương đầu tiên được Tập đoàn VNPT chuyển giao hệ sinh thái CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp từ quy trình canh tác đến nguyên liệu đầu vào, đầu ra đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. VNPT Bình Phước đang tiến hành thí điểm CĐS trong ngành sầu riêng, nhằm xây dựng nền tảng công nghệ giúp quản lý sản xuất, tối ưu hóa quy trình canh tác và nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất số, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dựa trên mô hình hợp tác xã số, giúp các hộ nông dân hợp tác chặt chẽ hơn trong sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ hình thành các tổ hợp tác và nhóm nông dân sử dụng công nghệ số trong quản lý và liên kết sản xuất, tạo sự minh bạch và hiệu quả trong chuỗi cung ứng.
VNPT Bình Phước đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức các lớp tập huấn và hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNPT Green cho từng hộ nông dân thuộc các hợp tác xã sầu riêng được lựa chọn. Mục tiêu giúp nông dân nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ và ứng dụng phần mềm vào canh tác, quản lý vùng trồng một cách hiệu quả. Sau khi triển khai thí điểm tại các hợp tác xã được lựa chọn, VNPT Bình Phước sẽ đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm, từ đó tối ưu hóa các giải pháp công nghệ trước khi mở rộng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
“Khi mô hình CĐS được chứng minh hiệu quả, VNPT Bình Phước sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này sang các ngành khác như điều, tiêu, cao su có thế mạnh của tỉnh. Lộ trình này không chỉ giúp nông dân tiếp cận công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và quản lý mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho ngành Nông nghiệp, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Trường Tùng nhấn mạnh.
Với nền tảng về công nghệ, tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực và kinh nghiệm triển khai các giải pháp CĐS, trong thời gian tới, VNPT Bình Phước tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại, đảm bảo kết nối mạng ổn định và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và DN. Tích cực đồng hành cùng các đơn vị sở, ngành chuyên môn để triển khai đưa vào vận hành có hiệu quả các phần mềm và nền tảng CĐS như Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp, Giáo dục và các lĩnh vực khác hướng tới tạo ra các hệ sinh thái số liên kết chặt chẽ giữa các ngành, giúp quản lý và điều hành hiệu quả hơn. Ngoài ra, tham gia hỗ trợ đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, nhân viên, đảm bảo có đủ khả năng khai thác, vận hành các hệ thống mới một cách hiệu quả.
Bình Minh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI