Lưu giữ và phát triển tinh hoa truyền thống dân tộc

09:20:34 | 5/12/2024

Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) là làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, có nhiều sản phẩm trang trí, đồ lưu niệm hấp dẫn. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ở làng nghề đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được xếp hạng 3 sao, 4 sao.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái tiền thân là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng có từ khoảng thế kỷ XVII. Lúc đó, làng mới chỉ có nghề sơn đồ nét, được trọng dụng vì nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho vua quan lúc bấy giờ nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua".

Nghệ nhân Vũ Huy Mến chia sẻ: "Thuở xưa, nghề sơn ra đời chủ yếu là để phục vụ cho hoạt động tâm linh hay cuộc sống của tầng lớp quý tộc. Kỹ thuật sơn mài là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Sau này, năm 1927, cụ Đinh Văn Thành, người con của làng Hạ Thái, khi làm việc tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã có những cải tiến hết sức quan trọng trong vẽ và mài, mở đường cho kỹ thuật tranh sơn mài, tạo tiền đề cho các kỹ thuật khác như: Gắn vỏ trứng, đắp sơn nổi, dát bạc, dát vàng... để tạo hiệu ứng cho sơn mài. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, điều cốt lõi của kỹ thuật sơn mài chính là ứng dụng chất liệu sơn ta. Cứ sơn xong đưa vào buồng ủ khô, rồi lại mang sản phẩm ra mài. Làm khoảng 12 nước sơn mới xong được "cốt". Đây chính là quy trình chuẩn truyền thống của sơn mài Hạ Thái".

Điểm khác biệt lớn nhất của sản phẩm sơn mài Hạ Thái là mọi sản phẩm đều lấy chất liệu từ thiên nhiên, các chất liệu đến nét vẽ đậm đà văn hóa truyền thống: bến nước, cây đa, con đò lá trúc, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, hoa sen, hoa đào, hoa mai… Cùng với đó là kỹ thuật sơn mài thủ công, tạo dấu ấn riêng.

Qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước ta được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam. Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: Bến nước cây đa, con đò lá trúc, Chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội... đặc biệt được du khách ưa chuộng.

Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề sơn mài Hạ Thái có khoảng 70% hộ gia đình làm nghề. Các nhóm sản phẩm chính gồm: quà tặng, trang trí nội thất, đồ thờ tâm linh phục vụ xuất khẩu, khách hàng trong nước và quốc tế. Mỗi sản phẩm chất lượng được đo bằng sự hài lòng của khách hàng, các sản phẩm đặt hàng quốc tế và nội địa có số lượng lớn.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra nhiều mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm... Ngoài ra, bên cạnh vật liệu như gỗ, giấy đã được dùng lâu năm làm cốt tạo hình thì những năm gần đây, các vật liệu như: Tre, nứa ghép, composite, gốm được sử dụng phổ biến để tạo hình dáng phức tạp và lạ mắt, độc đáo hơn cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống cha ông để lại, trong quá trình làm nghề, những nghệ nhân trong làng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau.

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ở làng nghề đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được xếp hạng 3 sao, 4 sao. Trong đó sản phẩm tiêu biểu được UBND Thành phố Hà Nội công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao là hai sản phẩm hộp sơn mài gắn trai và hộp sơn mài gắn sừng của sơn mài An Huy.

Theo ông Đỗ Hùng Chiêu, để có một sản phẩm sơn mài hoàn hảo phải trải qua 15 công đoạn khác nhau; với nguyên liệu là sơn tự nhiên, sơn hạt điều, đất phù sa sông Hồng, bột đá, mùn cưa. Riêng khâu làm vóc phải trải qua 9 lần sơn, mỗi lần sơn là một lần mài nhẵn.

Liên tục như vậy, vừa sơn, vừa mài, 9 lượt mới hoàn thành một sản phẩm. Sau phần cốt vóc, đến phần trang trí mỹ thuật, phải tùy từng đề tài để trang trí, sử dụng vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc; sừng trâu, hay bạc, vàng… Khi vẽ trang trí xong, được phủ sơn bóng 2 lần và tiếp tục đánh bóng sản phẩm cho đến khi đạt chuẩn, lúc đó mới có một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh.

Sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP là nguồn lực để công ty mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm doanh thu của công ty đạt gần 5 tỷ đồng; công nhân của công ty cũng có mức thu nhập ổn định, bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Trong những tháng cuối năm, các đơn hàng sẽ tăng khoảng 60% so với các tháng trong năm, do nhu cầu dịp lễ, Tết tăng, nên công ty yên tâm sản xuất, không phải lo khâu tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Đỗ Văn Hùng cho biết: để phát huy nguồn lực làng nghề, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã tham gia đánh giá, phân hạng tại Chương trình OCOP. Trong đó, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy có 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và đang nâng cấp lên 5 sao. Với bước đệm từ làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao OCOP, đồng thời được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch làng nghề của Thủ đô, Hạ Thái đang từng bước phát huy các nguồn lực của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội