11:34:23 | 6/12/2024
Lợi thế đô thị miền sông nước, cảnh quan tự nhiên, vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, cơ sở vật chất hiện đại,… là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch Cần Thơ thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch Cần Thơ xác định thế mạnh là du lịch đô thị sông nước và du lịch MICE
Thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn TP.Cần Thơ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; lượt khách và doanh thu du lịch tăng dần qua từng năm. Hệ thống hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển theo hướng mở rộng, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; huy động được sự tham gia và ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đóng góp từ tổng thu dịch vụ - du lịch chiếm khoảng 8% trong cơ cấu GRDP của thành phố.
Giai đoạn 2022 - 2023, TP.Cần Thơ đón hơn 11 triệu lượt khách tham quan, du lịch; tổng lượt khách du lịch lưu trú đạt khoảng 5,4 triệu lượt; khách nội địa lưu trú đạt hơn 5,2 triệu lượt). Tổng thu từ du lịch đạt 9,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng số lao động ngành Du lịch thành phố là 10.329 người. Trong đó, lao động trực tiếp là 9.068 người; lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng, chuyên môn về du lịch là 7.067 người.
Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 636 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 11.000 phòng (trong đó, khách sạn được công nhận từ 1 đến 5 sao là 133 khách sạn, với 5.030 phòng); có 64 doanh nghiệp lữ hành; có 34 khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế chung còn nhiều khó khăn tuy nhiên hoạt động du lịch thành phố vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng, từng bước đưa thương hiệu du lịch Cần Thơ đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Cần Thơ xác định thế mạnh du lịch đô thị sông nước (với điểm nhấn chợ nổi Cái Răng) và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) qua Đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thành phố đã hình thành cụm không gian du lịch trung tâm: Ninh Kiều - Cái Răng - Bình Thủy - Phong Điền. Quận Ninh Kiều với thế mạnh hạ tầng thương mại dịch vụ phát triển, nên đẩy mạnh du lịch đô thị, sản phẩm về đêm như các khu chợ đêm (Trần Phú, Bến Ninh Kiều,…), phát triển các khu ẩm thực, phố đi bộ, du thuyền trên sông. Bình Thủy phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử. Phong Điền tạo điểm nhấn du lịch xanh, du lịch sinh thái. Cái Răng thu hút khách bằng văn hóa sông nước, làng nghề, homestay,…
Trên cơ sở đó, những năm qua, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của thành phố được đầu tư đồng bộ. Du lịch Cần Thơ đã liên kết với Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Ninh…; hay hình thành liên kết cụm Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang, Cần Thơ - Hậu Giang, Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau - Bạc Liêu,…
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ đang xây dựng, triển khai nhiều đề án, kế hoạch đầu tư và phát triển du lịch. Cụ thể như: Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia văn hóa chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển du lịch TP.Cần Thơ theo hướng sinh thái gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương”, Đề án “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP.Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2030”, Chương trình số 16/CTr-UBND, ngày 22/12/2017 về quảng bá, xúc tiến du lịch TP.Cần Thơ, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển kinh tế ban đêm, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch thành phố giai đoạn 2021 - 2025, chuyển đổi số gắn với phát triển hệ thống du lịch thông minh TP.Cần Thơ,… Đồng thời, tham mưu UBND thành phố phê duyệt và kêu gọi các dự án đầu tư về du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch TP.Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao; là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Đến năm 2030, ngành Du lịch chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của thành phố, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, Cần Thơ cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
Nghiên cứu phát triển sản phẩm, hàng lưu niệm, quà tặng đặc trưng và giới thiệu các sản phẩm OCOP của thành phố đến khách du lịch: “Đẩy mạnh đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm; phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm; góp phần đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú. Phấn đấu xây dựng được một tuyến du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch đặc trưng đưa vào khai thác.
Huy động nguồn lực cho đầu tư hỗ trợ phát triển du lịch. Thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trọng điểm; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Các sở, ngành và quận, huyện phối hợp chặt chẽ trong công tác phát triển du lịch; ưu tiên nguồn lực từ các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để phát triển du lịch, với phương châm xây dựng du lịch Cần Thơ “An toàn - thân thiện - chất lượng”.
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)