00:00:00 | 26/3/2014
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng Vân Đồn trở thành Khu hành chính – kinh tế đặc biệt (Đặc khu kinh tế) với những thể chế đặc biệt. Xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn sẽ là đột phá cho Quảng Ninh và là hạt nhân hỗ trợ các tỉnh phía Nam Vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng khác cùng phát triển.
Trước thềm Hội thảo khoa học quốc tế về đặc khu kinh tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh. Ngô Khuyến - Ngọc Bách thực hiện.
Trong những năm qua, nhiều khu kinh tế đã được thành lập trên cả nước song nhìn chung hoạt động chưa hiệu quả, trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề xuất thí điểm xây dựng 2 Đặc khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái. Có sự khác biệt nào giữa 2 Đặc khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh với các khu kinh tế khác trước đây, thưa ông?
Trong quá trình đổi mới và hội nhập, chúng ta đã xây dựng và phát triển được 15 KKT ven biển và 28 KKTCK. Các KKT đã đạt được một số kết quả nhất định trong thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào phát triển KTXH của một số địa phương và cả nước. Tuy nhiên các KKT phát triển chưa có bước đột phá ở những nơi có điều kiện khá thuận lợi, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do: Thể chế chưa đủ mạnh, bị hạn chế bởi các luật chuyên ngành; cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; mô hình tổ chức bộ máy còn chồng chéo; còn dàn trải cả về chính sách và nguồn vốn đầu tư nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao; hạ tầng đồng bộ còn yếu kém lại chưa được Nhà nước đầu tư thỏa đáng; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Hơn nữa, xu hướng thế giới hiện nay các quốc gia đang kết hợp hài hòa giữa khai thác lợi thế tĩnh (điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản...) với khai thác lợi thế động (thể chế, cơ chế chính sách, nền hành chính hiện đại...) thông qua việc tiếp tục hình thành và phát triển các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do nhằm thu hút tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ bên ngoài, để tạo động lực phát triển kinh tế, như Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE và Trung Quốc.
Trước thực tiễn đó, Quảng Ninh đã triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng với 3 đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế… bằng hành động cụ thể. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đề xuất thí điểm xây dựng 2 Đặc khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái, trước tiên tập trung vào Đặc khu kinh tế Vân Đồn đã được tỉnh nghiên cứu trong cả một quá trình lâu dài, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thế giới về phát triển mô hình đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính và thực tiễn trong nước. Tôi có thể khẳng định Đặc khu kinh tế Vân Đồn sẽ có sự khác biệt hơn so với các KKT khác trước đây, thể hiện ở một số nội dung sau:
(1) Cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
(2) Phát triển kinh tế theo mô hình Đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại nhằm thu hút nguồn vốn, công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến của nước ngoài để tạo bước phát triển đột phá đối với những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế.
(3) Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi.
(4) Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Luật về đặc khu kinh tế sẽ sớm được ban hành, kết cấu hạ tầng sẽ được quan tâm tập trung đầu tư đồng bộ hoàn thiện… thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững KKT Vân Đồn, góp phần vào thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.
Nếu Đề án xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn sớm được triển khai, Vân Đồn sẽ trở thành một mũi nhọn kinh tế. Ông có liên tưởng hoặc so sánh thế nào về “thương cảng Vân Đồn” trong lịch sử và Đặc khu kinh tế Vân Đồn ngày nay về tính chất, tầm ảnh hưởng…?
Vân Đồn có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và quốc tế do nằm trên đường trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc; nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Một trong những tiêu chí quyết định để lựa chọn Vân Đồn phát triển trở thành Đặc khu kinh tế đó là “Phải nằm trên các trục hành lang kinh tế liên khu vực và quốc tế”. Tiêu chí này được xây dựng nhằm khai thác tối đa các thị trường và lợi thế so sánh quốc gia và quốc tế.
Trong thế giới hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, việc Vân Đồn trở thành Đặc khu kinh tế trong thời gian tới và sẽ trở thành khu vực phát triển năng động, hiện đại; thành phố biển quốc tế văn minh, hiện đại; trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp.. nên chắc chắn “tính chất và tầm ảnh hưởng” sẽ lớn hơn và đa dạng hơn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại, an ninh quốc phòng… Điều này càng góp phần khẳng định, tôn vinh, giá trị lịch sử của “Thương cảng cổ Vân Đồn” và sự tiếp nối của thế hệ hôm nay chính là tiếp tục tầm nhìn chiến lược của thế hệ cha ông trên con đường xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.
Trong tương lai, Đặc khu kinh tế Vân Đồn sẽ có mối liên kết phát triển thế nào đối với các khu kinh tế khác như Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải?
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Đề án Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã xác định: “Phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn phải đặt trong quy hoạch tổng thể và mối liên kết phát triển của tỉnh Quảng Ninh, nhất là gắn với các Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, thành phố Hạ Long, Khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc và cả khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng”.
Mục tiêu xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn là nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch to lớn, đặc sắc của Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long; tạo động lực và sức lan tỏa để phát triển tỉnh Quảng Ninh và khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng đồng thời chủ động khai thác lợi thế trong hợp tác phát triển dọc vành đai kinh tế ven biển Việt Nam - Trung Quốc. Từ thực tiễn xây dựng và phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn có thể nhân rộng những cơ chế, chính sách phù hợp trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội của cả nước. Đồng thời, xây dựng và phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn với định hướng là phát huy lợi thế so sánh của Vân Đồn để thu hút mạnh đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào xây dựng, phát triển Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, hiện đại quy mô lớn có casino và các ngành sản xuất kinh doanh bổ trợ và có điều kiện phát triển như dịch vụ tài chính, ngân hàng, thông tin, truyền thông quốc tế, một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, khai thác nuôi trồng chế biến nông thủy sản cao cấp... phục vụ nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch.
Có thể thấy định hướng và mục tiêu phát triển của Đặc khu kinh tế Vân Đồn có sự khác biệt và không mâu thuẫn với các khu kinh tế liền kề, mà sẽ góp phần liên kết để thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với mục tiêu, định hướng chính là “trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, cảng biển; trung tâm tài chính, khu mậu dịch tự do và hiện đại trong khu vực” và Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải là “phát triển kinh tế hàng hải mà trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng; một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc Bộ và cả nước, trung tâm công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại”.
Trên thế giới có rất nhiều khu kinh tế mở, đặc khu được thành lập tại những thời điểm khác nhau với những cách làm khác nhau. Song ngay bên cạnh Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, nước bạn Trung Quốc đã triển khai khá thành công nhiều đặc khu kinh tế. Với nhiều nét tương đồng giữa hai quốc gia và các địa phương, liệu Vân Đồn, Móng Cái có phải là phiên bản của Thâm Quyến, Hạ Môn… hay Sán Đầu?
Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất mô hình phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo xin ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; đồng thời phân tích, đánh giá những kinh nghiệm thành công, nguyên nhân thất bại của đặc khu kinh tế tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và cân nhắc trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam do đó có thể khẳng định đây là mô hình đặc khu kinh tế đặc thù riêng của Việt Nam đã có sự kế thừa và phát triển của các mô hình đặc khu kinh tế của nhiều nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vậy Quảng Ninh sẽ đạt ra mục tiêu nào hoặc kỳ vọng đạt được điều gì thông qua Hội thảo quốc tế lần này?
Việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế “Kinh nghiệm và cơ hội” có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tỉnh, thành phố nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Qua Hội thảo này, tỉnh Quảng Ninh mong muốn:
(1) Góp phần củng cố cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận khoa học, cơ sở thực tiễn và sự cần thiết xây dựng, phát triển Đặc khu kinh tế.
(2) Làm rõ tính khả thi và khả năng thành công trong việc triển khai xây dựng Đặc khu kinh tế.
(3) Thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các nhà khoa học, nhà quản lý, giới trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào quá trình triển khai xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế.
(4) Tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong quá trình phát triển mô hình mới - mô hình Đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại góp phần thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI